Nhiều anh em ngoài nghề sẽ nói rằng: Đi làm mà nhậu nhẹt cái gì? Nhưng thực tế đúng là như vậy: KỸ SƯ XÂY DỰNG PHẢI BIẾT NHẬU.
Đây có thể coi như kỹ năng cơ bản nhất của một kỹ sư xây dựng. Có rất nhiều kỹ sư trẻ mới ra trường đã đặt câu hỏi: Em không biết nhậu thì có theo nghề Xây dựng được không? Câu trả lời là: Có. Nhưng các bạn sẽ tự hạn chế bản thân trong việc xây dựng mối quan hệ xã hội. Anh em xây dựng vốn thường hay phải làm xa nhà, xa gia đình. Vậy nên những lúc rảnh rỗi hay nhớ nhà, nhớ người yêu thì NHẬU sẽ là cách giao lưu, gắn kết tình cảm anh em. Nói như vậy không phải để cổ súy anh em rượu chè be bét. Quan trọng nhất là anh em uống rượu nhưng phải biết điểm dừng, biết kiểm soát bản thân. Có thể anh em không uống được nhiều nhưng vẫn phải tham gia các cuộc nhậu. Đó có thể là nơi giao lưu hay thương thảo, ký kết hợp đồng, hợp tác. Chính vì vậy, NHẬU là một kỹ năng rất quan trọng để anh em kỹ sư có thể tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp của mình.
Đọc đến đây chắc chắn nhiều bạn sẽ có suy nghĩ: đi làm là phải biết gọi DẠ bảo VÂNG, chứ sao đây là PHẢI BIẾT CHỬI! Nói một cách nghiêm túc đấy. Trên công trường, anh em sẽ tiếp xúc với công nhân, quan hệ với cấp trên, Tư vấn giám sát, Chủ đầu tư, Nhà thầu phụ, .... Riêng mối quan hệ với công nhân đã rất phức tạp. Nhiều tình huống các bác công nhân không nghe chỉ đạo thì phải xử lý thế nào? Với dân “xi măng cát sỏi” không thể dùng từ ngon ngọt, dịu dàng được, cứng rắn họ mới “khoái”. Lúc này phải biết chửi mắng thì họ mới nghe mình. Tuy nhiên, không phải là chửi nhau lộn bậy nhé. Chửi cũng phải học anh em ạ!
Anh em cần phải biết tung hứng, mềm cứng đúng lúc. Phải chửi làm sao cho các bác công nhân sợ, họ nghe nhưng họ không thù. Chửi sao cho sau khi chửi vẫn kéo nhau đi nhậu, vỗ vai nhau được. Đó là cả một nghệ thuật đấy!
Nghe thì thật buồn cười! Toàn người lớn, đàn ông đàn ang hết với nhau mà nịnh nọt cái gì? Thế mà cái này lại được dùng thường xuyên đấy. Ở đây không chỉ là nịnh sếp, hay nịnh Tư vấn giám sát, nịnh Chủ đầu tư mà còn phải nịnh các bác công nhân nữa. Nịnh để họ chịu khó tăng ca thêm một chút, tập trung làm việc, đừng để có sơ suất…. “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” đúng không nào? Kết hợp cả 2 kỹ năng vừa biết chửi vừa biết nịnh, mềm cứng đúng lúc, anh em sẽ thu được hiệu quả không ngờ!
Ngoài chửi và nịnh ra anh em còn phải biết kỹ năng chém gió nữa. Anh em kỹ sư là những người bám sát hiện trường, làm công tác chuyên môn nhiều nhất. Vậy nên nếu cuộc họp Tư vấn giám sát, Chủ đầu tư có vấn đề cần hỏi thì các bạn chính là những người giải đáp. Và sếp bạn chắc chắn sẽ chú ý hơn đến những người biết chém gió. Nhưng “PHẢI BIẾT” rồi mới “CHÉM”. Không thể chém gió lung tung được. Nghề xây dựng liên quan rất nhiều đến các quy trình, tiêu chuẩn và không thể chém gió nếu anh em không có ít “cốt liệu”. Để có “cốt liệu” chém gió thì anh em bắt buộc phải đọc nhiều, luyện nhiều, để mở rộng kiến thức và rèn luyện kỹ năng. Kết hợp giữa kiến thức chuyên môn và những kinh nghiệm thực tế ở công trường thì trình độ chém gió của anh em sẽ tăng lên đáng kể. Để rồi khi anh em chém gió người nghe sẽ gật gù tâm đắc.
Sao lại phải có kỹ năng từ chối? Nghề xây dựng có rất nhiều thách thức mà anh em kỹ sư phải đối mặt. Nào là rút ruột công trình, nhận phong bao lì xì, ký khống khối lượng,.... Đó chính là khi bản lĩnh của anh em phải được thể hiện. Trong trường hợp nào bạn có thể đồng ý, trường hợp nào phải cảnh giác và nói lời từ chối. Bạn phải biết từ chối để tránh bị phê bình, bị ảnh hưởng danh dự, thậm chí là về với đội Juventus. Lời khuyên cho anh em là cứ đúng luật, đúng lệ mà làm. Anh em xây dựng nói chuyện với nhau bằng bản vẽ, quy trình, tiêu chuẩn. Tuy nhiên, hãy linh động trong một số tình huống, đừng rập khuôn cứng nhắc anh em nhé.
Vậy quan hệ ở đây là gì? Môi trường xây dựng được tạo nên bởi rất nhiều các mối quan hệ. Trong các nội dung trên, mình đã đề cập đến các kỹ năng tạo quan hệ với các bác công nhân, lãnh đạo công ty, Tư vấn giám sát, Chủ đầu tư. Vậy với anh em đồng nghiệp thì sao? Bạn phải có các kỹ năng làm việc nhóm và xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp. Bạn phải biết làm việc một cách “fair - play”, đó là: ngẩng đầu lên để học hỏi các bậc tiền bối và sẵn sàng cúi xuống để giúp đỡ đàn em. Cái nghề mà khó nhận định ai giỏi hơn ai này thì người biết quan hệ là người có lợi thế.
Chắc hẳn các bạn sẽ nói: hưởng thụ thì ai mà chả biết. Hưởng thụ ở đây không phải là hưởng thụ cái “sướng” mà là hưởng thụ cái “khổ” giữa những “khó khăn”. Nghề xây dựng là phải đi công trình, lang bạt tứ phương, cộng với môi trường làm việc đầy áp lực. Nếu anh em không biết hưởng thụ thì khó có thể trụ được ở cái nghề khô khan này. Nếu bạn đang làm ở công trường giữa núi rừng, không có wifi, không mạng di động thì bạn sẽ làm gì? Anh em có thể tìm đến thú vui khác như: câu cá, đá bóng, cầu lông, …. Do đó, cuộc sống sẽ “dễ thở” hơn nhiều khi bạn biết “hưởng thụ cái khổ”.
Hy vọng những chia sẻ trong bài viết sẽ phần nào giải đáp được câu hỏi “Kỹ năng phải có của kỹ sư xây dựng?”. Chúc anh em thành công!