Khi đi xin việc, không ít anh em tân kỹ sư vì muốn mau chóng có chỗ làm nên đã gật đầu với yêu cầu nộp bằng gốc của nhà tuyển dụng. Họ yêu cầu ứng viên nộp bằng tốt nghiệp gốc và họ cũng chỉ nhận bằng gốc, không nhận bản photo.
Vậy anh em kỹ sư phải xử lý như thế nào với yêu cầu nộp bằng gốc của nhà tuyển dụng?
-------------------------------
Thực tế tại một số doanh nghiệp hiện nay, để giữ chân người lao động thì doanh nghiệp yêu cầu ứng viên nộp văn bằng, giấy tờ gốc. Trường hợp không nộp văn bằng gốc sẽ không được nhận vào làm. Và trong nhiều trường hợp, anh em kỹ sư đã chấp nhận yêu cầu này để được tuyển vào công ty. Theo quy định của Bộ luật lao động 2019, tại Điều 20 đã nêu như sau:
“Những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động:
- Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
- Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.”
Như vậy hành vi yêu cầu nộp bằng gốc đã vi phạm pháp luật lao động và hiện nay đã có chế tài xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp.
Hành vi yêu cầu nộp bằng gốc của nhà tuyển dụng sẽ bị xử phạt theo Điều 8 Nghị định 28/2020/NĐ-CP:
“Phạt tiền từ 20 triệu đến 25 triệu đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
- Giữ bản gốc giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động;
- Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng”.
Như vậy theo quy định của pháp luật, công ty sẽ bị bị phạt tiền từ 20 đến 25 triệu, ngoài ra trong luật còn quy định:
- Buộc trả lại bản gốc giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động;
- Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ cộng với khoản tiền lãi tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của ngân hàng.
Vậy là ngoài việc bị phạt tiền, nhà tuyển dụng bắt buộc phải trả lại bằng gốc cho ứng viên.
Anh em tân kỹ sư cần lưu ý là bằng gốc chỉ cấp 1 lần, nếu có đề nghị nhà trường cấp lại cũng chỉ là bản sao. Đưa giấy tờ cho người khác thì dễ, nhưng lấy lại hoàn toàn không dễ chút nào. Tôi đã gặp trường hợp người lao động muốn lấy bằng để đi làm chỗ khác nhưng doanh nghiệp yêu cầu phải nộp tiền mới được lấy lại bằng.
Anh em kỹ sư thường như vậy, ít quan tâm và xem nhẹ các quy định của pháp luật liên quan đến quyền lợi của mình. Nếu có bị nợ lương, quỵt lương thì cũng chẹp miệng coi như đen, nghề mình đứa nào chả bị. Việc cho qua của anh em tạo một tiền lệ xấu, đặc biệt với ngành xây dựng.
Hiểu biết về pháp luật là trách nhiệm và cả là quyền lợi của anh em kỹ sư.