Năm cuối cùng của cấp 3 chắc chắn bạn trẻ nào trải qua cảm giác hoang mang khi đang đứng trước ngã rẽ vô cùng quan trọng trong cuộc đời. Bạn phải lựa chọn trường đại học và quyết định xem mình sẽ theo học ngành gì. Một lựa chọn khó khăn với hầu hết các bạn và có tính bước ngoặt quyết định tương lai bạn sẽ làm gì. Có bạn rất thích trường A, đó là mơ ước từ nhỏ của bạn nhưng điểm số của bạn lại không đủ vào ngành bạn yêu thích. Vậy bạn sẽ nộp hồ sơ vào trường A nhưng học ngành khác hay bạn chuyển sang trường B để vào ngành yêu thích?. Bạn nên chọn trường hay chọn ngành?. Bài viết sau sẽ giải đáp câu hỏi của các bạn.
Có khi nào bạn thích một ngôi trường nào đến nỗi nộp 3-4 nguyện vọng, không cần biết là ngành nào, chỉ để được học trường đó chưa?. Bản thân mình từng điền 3 nguyện vọng lần lượt là xây dựng dân dụng và công nghiệp, xây dựng cầu đường, quản lý xây dựng vào Đại học Xây dựng. Trong khi thực chất chỉ thích ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp mà thôi. Cũng may là đỗ ngành ấy chứ nếu không thì toang!
Có những bạn chọn trường trước rồi chọn ngành sau, cố ép mình vào những trường top đầu, bất chấp năng lực và sở thích của bản thân. Điều đó sẽ khiến bạn cảm thấy không phù hợp và hạnh phúc với ngành nghề mà mình đã chọn. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến 75% số sinh viên tốt nghiệp làm trái ngành, 50% sinh viên không hài lòng về ngành học. Ngoài ra cũng có rất nhiều bạn bỏ học, trượt môn, kết quả kém, …. Đó là hậu quả của việc chọn ngành nghề mình không có đam mê, yêu thích. Rất nhiều bạn đã lựa chọn bỏ học sau năm 1 hoặc năm 2 để thi lại đại học vào ngành mà mình yêu thích. Nếu lựa chọn sai là bạn đã bỏ phí mất 1-2 năm cuộc đời vậy nên hãy cẩn trọng nhé!
Việc chọn ngành nghề giống như chọn vợ, chọn chồng vậy, các bạn không thể chọn bừa, chọn đại theo cảm hứng được đâu. Bạn không thể nghe bạn bè, người thân nói ngành này tốt lắm, ngành kia tuyệt vời rồi cứ đăng ký “bừa” theo ý người khác. Trúng nguyện vọng nào thì theo học trường nấy. Đó là sai lầm lớn đấy bạn ơi. Thời đại công nghệ 4.0, bạn có thể dành thời gian inbox, làm quen, lặn lội vào các trang tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp. Ngoài ra bạn có thể đăng ký tham gia các ngày hội hướng nghiệp. Có nhiều cách để tìm hiểu tường tận về ngành nghề mình đang muốn lựa chọn, cân nhắc kỹ trước khi đăng ký bạn nhé. Điều đó cũng giống như tìm hiểu kĩ về tính cách, gia đình của “crush” thì mới có thể tiến đến hôn nhân, đúng không?
Có thêm sự lựa chọn cũng là thêm cơ hội cho chính bản thân mình mà nhỉ?. Ví dụ như bạn hứng thú về lĩnh vực xây dựng thì có thể tìm hiểu thêm về quản lý xây dựng, kinh tế xây dựng, tin học xây dựng chẳng hạn.
Sau khi đã chọn đúng ngành nghề mà bản thân muốn theo đuổi, bạn cần lên danh sách những trường đào tạo các ngành nghề ấy. Bước này rất quan trọng đó các bạn ạ!. Ví dụ như ngành xây dựng cầu đường thì bạn có thể chọn các trường như Đại học Giao thông vận tải, Đại học Xây dựng. Để đưa ra sự lựa chọn sáng suốt nhất, bạn cần có căn cứ để so sánh về điểm số đầu vào, chất lượng đào tạo cũng như học phí, cơ sở vật chất đúng không?
Suy cho cùng, thứ cuối cùng chúng ta nhắm đến là những kiến thức mà ngành học cung cấp chứ không phải là sự danh tiếng của trường đại học. Yêu là một chuyện, nhưng có hợp hay không lại là chuyện khác. Vậy nên câu trả lời của câu hỏi “chọn trường hay chọn ngành?” đó là hãy chọn trường dựa trên ngành học mà bản thân bạn mong muốn nhé!
Nguồn: Nguyễn Thảo Diệp