Con đường trở thành một kỹ sư tại Nhật Bản - Phần 3
Chào các bạn ! Ở cuối phần 2 sau bao gian nan thử thách cuối cùng tôi cũng đã đến được với nước nhật. Nhưng quả thật nước nhật không màu hường như tôi nghĩ. Tiếp sau đây sẽ là 2 năm (3/2011 - 3/2013) có lẽ là quãng thời gian vất vả nhất cuộc đời tôi cho đến bây giờ.
Mùa xuân 2011, rạng sáng ngày 15/3 tôi 1 người trẻ mang trong mình đầy hoài bão lần đầu bước chân xuống phi trường Narita Tokyo - Nhật bản. Cảm giác đầu tiên là hạnh phúc. Thật kì lạ, 1 bầu không khí se lạnh nhưng trong lành, hít thở vào thật dễ chịu.
Chúng tôi được đón bằng ô tô về nơi tập trung. Di chuyển trên đường tôi chưa từng thấy nơi nào, ngoài đường mà chỗ nào cũng sạch bóng, ngăn nắp, quy củ, không thấy bụi cát ở đâu, thật là vi diệu. Tôi tự nhủ mình thật may mắn. Đến tận bây giờ tôi vẫn không quên cái cảm giác lần đầu đó.
Nhóm đi của chúng tôi gồm 9 người và có tên gọi là hội Sông Đà. Chúng tôi được tập kết tại trung tâm nghỉ dưỡng của thành phố Kawasaki khoảng hơn 1 tuần để ôn thi bằng xe máy của Nhật, vì công việc phát báo phải sử dụng xe máy. Sang được 2 hôm tôi mới tìm cách gọi điện về cho gia đình nói chuyện 1 chút, lúc đó mới biết có vụ rò rỉ phóng xạ. Bố mẹ tôi rất lo lắng, còn tôi cũng chỉ biết cách an ủi bố mẹ :”Cũng may chỗ con đang ở cách xa vùng thảm họa vài trăm km, không sao đâu bố mẹ ạ. Con thấy họ vẫn sinh hoạt bình thường, bố mẹ đừng quá lo nha"
Tuy nhiên, thi thoảng cũng có dư chấn động đất khá là sợ. Đó là lần đầu tiên tôi mới biết động đất nó như thế nào. Có bữa đúng lúc tôi đang trong nhà vệ sinh thì có động đất, cái nhà vệ sinh nó cứ đung đưa. Mặt tôi như muốn khóc và thầm nghĩ : “Chẳng nhẽ mình tới số ở cái nhà vệ sinh này à“. Đến giờ nghĩ lại vẫn thấy buồn cười :)). Mấy anh em trong nhóm cũng tự an ủi nhau, sống chết có số rồi, bây giờ sang nơi xứ người rồi cố mà đùm bọc lẫn nhau thôi.
Ở đây học cùng hội Sông Đà chúng tôi có thêm hội Đông Du và hội Sakura Đà Nẵng. Qua đến đây tôi mới biết đến 2 hội này. Đặc biệt qua tìm hiểu tôi được biết hội Đông Du chính là những người đầu tiên đặt nền móng cho việc du học nhật từ khoảng 3 chục năm trước, có lịch sử rất lâu đời. Những năm 2010 đổ về trước, những anh chị theo học bổng qua hội Đông Du đa phần là những người ưu tú đạt giải quốc gia, rất đáng ngưỡng mộ.
Sau khi đậu bằng xe máy, mỗi người trong hội được phân về 1 tiệm báo. Tôi được phân về 1 tiệm báo thuộc thành phố Yokohama. Làm cùng tiệm báo của tôi có 2 cậu bạn đến trước tôi 1 năm, và cả 2 cậu ấy đều là người của hội Đông Du. Quả đúng như tôi tìm hiểu về hội Đông Du thì các bạn ấy rất chăm chỉ trong công việc, lẫn ý thức tự học. Các bạn ấy sang đây mang trong mình sẵn 1 mục tiêu rõ ràng, đó là : “Phải ôn thi cho đậu bằng được đại học công quốc lập ở Nhật, cánh cửa ngắn nhất để tiến thân ở Nhật“. Bởi vì các bạn ấy có các anh chị đi trước ( gọi là Senpai) đã thành công và quay lại giúp định hướng 1 con đường học tập tốt nhất.
Từ lúc ở việt nam, các bạn ấy đã được dạy ôn thi đại học Nhật bằng tiếng Nhật, giáo trình Nhật, được rèn luyện trong môi trường quân luật và khắc khổ. Cứ thế và cứ thế, thế hệ thành công đi trước tận tình giúp đỡ lớp trẻ theo sau, đó là thứ không có ở hội Sông Đà chúng tôi vì còn quá non trẻ.
Hội Sông Đà chúng tôi khi đó mới thành lập được 2,3 năm trước nên những anh chị đi trước cũng còn đang loay hoay tìm con đường đi riêng của mình. Việc được gặp 2 cậu bạn Đông Du này khiến tôi loé lên suy nghĩ, đây chính là cơ hội ngàn vàng để tôi đi tìm con đường thi lên đại học công quốc lập nếu cố gắng cùng các bạn ý.
Tiếp đến tôi sẽ kể các bạn nghe về công việc phát báo của tôi, 1 công việc thật là vất vả. Hàng sáng cứ tầm 1:30 tôi đã phải thức dậy chuẩn bị, 2:00 mọi người tập trung ở tiệm, sau đó từng người nhận báo khu mình phát về, lồng các tờ quảng cáo rồi đem đi phát. Khu tôi phát cũng khá là rộng, tôi phát cỡ trên 300 hộ, khoảng gần 400 tờ báo, đại loại phát báo cho khoảng 1 phường. Tôi phát từ 2:30 sáng cho đến 5:30, sau đó về nhà tắm rửa, ăn sáng, lúc lên giường nghỉ ngơi cũng tầm 6:30, gần 7:00 rồi. Tôi chợp mắt đến 8:00 dậy xong chuẩn bị để đi lên trường tiếng học. Tôi học từ 9:00 〜 12:30, sau đó đi về nhà chuẩn bị cơm nước cũng đến gần 2:00 chiều, tôi nghỉ ngơi 1 tẹo thì 3:00 lại phải tập trung ở tiệm báo để phát báo chiều. Tôi phát báo chiều từ 3:30 đến 5:30, sau đó về tắm rửa cơm nước cũng đến 7:00 tối mới xong, sau đó tự ôn thi đại học rồi ngủ sớm để bắt đầu ngày mới.
Cứ như vậy, cứ như vậy trong vòng 2 năm các bạn ạ.
Ngày nghỉ thì chỉ thường được nghỉ 1 ngày 1 tuần thôi. Đọc đến đây các bạn phần nào hình dung ra độ vất vả rồi đúng không.
Nhưng thực sự chưa dừng ở đó. Khu tôi phát rất nhiều nhà tập thể cũ cỡ 5 tầng mà không có thang máy, tôi thường xuyên phải leo lên đến tầng 5 hàng trăm lần mỗi ngày để phát. Ngày thường báo mỏng, những ngày cuối tuần, lễ tết, ngày tranh cử mỗi tờ nặng gần cân ( x gần 400 tờ @@ ). Ngày mát mẻ thì không sao nhưng ngày nóng nực thì người tôi như phát điên lên, người như bốc hoả vậy, không thể chịu nổi... Rồi những hôm trời mưa bão tầm tã cũng phải đi phát. Báo được bọc trong nilon nên rất trơn. Có hôm đang trở báo phía sau xe máy, do nilon trơn nên báo bị tuột rơi hết ra, văng xuống cả cống rãnh.
Trong đêm khuya, lúc tôi đang nhặt những tờ báo dưới rãnh lên, có chiếc xe ô tô chạy ngang qua vũng nước ở gần, nước văng lên bắn vào mặt tôi. Vừa mệt mỏi, vừa thấy tủi nhục, tự dưng nước mắt tôi trào ra... Rồi có ngày bão tuyết, tuyết ngập đến cả đầu gối, có những chỗ xe máy không vào nổi, tôi phải bê báo nặng từ xe để ở đường lớn vào từng ngõ ngách, leo lên từng khu tập thể. Chân và tay tôi đau, rồi dần mất cảm giác đau, nó như đông cứng lại, đến nỗi cứ 1 đoạn tôi lại dừng xe, dí tay vào bô cho tay nó cử động được. Có lúc mệt quá tôi vứt xe và báo đấy, nằm sõng soài ra giữa biển tuyết trong đêm, như muốn vứt hết tất cả. Nhưng công việc không hoàn thành không được, tôi lấy hết quyết tâm vực dậy, tiếp tục bước đi trong đêm... riêng ngày hôm đó tôi phát từ 1:00 sáng đến tận 8:00 hơn mới xong…
Còn 1 vụ này nữa mà tôi và bạn tôi hãi đến già. Chả là bạn tôi phát báo cho cái nhà của bà cụ, xong tự nhiên không thấy bà lấy báo, rồi 1 tuần, 2 tuần, rồi cả tháng. Xong nó bảo ngày càng có mùi nặng từ trong nhà phát ra, báo thì cứ chất đống, nó cũng nghi nghi có gì không ổn. Thế là có hôm nó mới được thông báo bà cụ đó mất trong nhà cả tháng rồi. Ở nhật chuyện các cụ già sống cô đơn 1 mình chết lúc nào không ai hay biết là chuyện không hề hiếm. Và những ngôi nhà đó không có ai thừa kế nên trở thành những ngôi nhà hoang, đây là vấn đề ngày càng nghiêm trọng trong xã hội nhật.
Đi phát báo đã khổ, thì việc sống chung với nhân viên phát báo người nhật cũng khổ không kém. Thực tế mà nói, nghề phát báo ở nhật, đúng ra để dành cho những tầng lớp dưới đáy của xã hội làm. Những người trẻ không học, không có việc, hoặc những người già đã về hưu. Không phải tất cả họ không tốt, nhưng đa số cư xử thô lỗ, coi thường người nước ngoài, có kẻ còn o ép bắt nạt mấy anh em người việt chúng tôi. Nhiều lúc nghĩ đắng cay lắm nhưng tôi nghĩ đó là cái giá mà tôi phải chấp nhận, tôi coi nó như 1 thử thách cần phải vượt qua trong đời....
Thôi đến đây tôi xin phép khép lại phần 3, trong phần 4 tôi sẽ chia sẻ về quá trình ôn thi đại học của tôi, mong các bạn lại ủng hộ theo dõi
Tác giả: Vũ Mạnh An - BQT Group Vùng kín kỹ sư
Mời các bạn đọc tiếp Seri
Con đường trở thành một kỹ sư tại Nhật bản (Phần 1)
Con đường trở thành một kỹ sư tại Nhật bản (Phần 2)
Con đường trở thành một kỹ sư tại Nhật bản (Phần 4)