Chào các bạn !
Ở phần 3 của câu chuyện, tôi đã giới thiệu về công việc phát báo vất vả của tôi. Đến phần 4 này, tôi sẽ kể về câu chuyện ôn thi đại học của mình.
Ở cùng tiệm báo tôi có Quảng và Toàn, là 2 cậu bạn đến trước tôi 1 năm. Cả 2 đều là dân Đông Du. Quảng quê ở Thái Bình, trước đây cũng đậu Đại học Xây Dựng nhưng sau đó không học mà vào Sài Gòn để theo chương trình Đông Du. Còn Toàn đậu đại học y hà nội, xong cũng quyết định dừng để đi theo con đường như vậy.
Thời gian đầu mới đến, tôi còn rất nhiều điều bỡ ngỡ, nhưng được Quảng và Toàn nhiệt tình giúp đỡ. Được cái cả 3 anh em tôi rất hợp tính nhau, tuy mới gặp đã coi nhau như anh em trong nhà. Ngày ấy người việt tại Nhật còn hiếm lắm, nên việc gặp được nhau bên xứ người rất đáng trân trọng. Quảng thuộc nhóm máu A thuộc tuýp người có quyết tâm rất cao, hơi cứng nhắc và nguyên tắc trong việc học tập. Còn Toàn thuộc nhóm máu B thuộc tuýp thông minh, khi nào hứng thú mới học, và sống thiên về tình cảm, thích những điều lãng mạn. Tôi thì thấy mình nằm ở giữa, có thể trung hòa tính cách của 2 con người này.
Trước khi tôi đến, Quảng và Toàn ăn cơm riêng, nhưng tôi muốn tình cảm mấy anh em thêm gắn bó, tôi đề nghị với 2 người :"Hay là 3 anh em mình ăn chung đi nhưng vẫn tự nấu ăn riêng theo món mình thích, chỉ có điều cố gắng lúc ăn thì ăn chung, mỗi thằng 1 món như vậy có phải thức ăn vừa đa dạng, vừa không cần phải nấu nhiều, mà cũng không cần chung chạ tiền nong phức tạp làm gì, lại có thời gian hàn huyên hơn". Thế là từ đó 3 anh em coi như góp gạo thổi cơm chung. Trong bữa ăn chúng tôi hiểu nhau hơn về suy nghĩ, về tính cách, về mục tiêu sống của nhau, về nhiều thứ nữa... Tôi cũng kể cho Quảng và Toàn nghe về con đường sang nhật của tôi, chuyện tôi bỏ học giữa chừng, chuyện tôi quyết tâm thay đổi con người mình như thế nào, chuyện tôi khát khao thi đậu đại học công quốc lập tại Nhật ra sao. Qua câu chuyện của tôi, 2 người cũng phần nào cảm nhận được sự quyết tâm ấy nên cũng động viên tôi :"Chỉ cần 3 anh em mình cùng cố gắng thì không thành công cũng thành nhân".
Tình cảm 3 anh em ngày càng gắn bó, làm gì cũng có nhau, đi học hay đi chơi đều có nhau. Tính tôi từ nhỏ hay thảo và quan tâm đến người khác, nên đi phát mà trong khu có hoa quả ngon trồng ở ven đường, tôi thường cố vặt về và để sẵn trên bàn học của 2 đứa. Rồi tôi cũng hay về sớm hơn nên thường rang cơm dư ra để phần cho Quảng và Toàn. Chính từ những cư xử nho nhỏ đấy thôi cũng làm 2 đứa cảm động. Tôi vẫn nhớ những ngày mưa bão tầm tã về 3 anh em ngồi ăn sáng với nhau, rồi nói :"Đời người trân trọng nhất là những lúc cùng nhau trải qua khó khăn. Sau này có thành đạt hay không thì hãy nhớ đến những lúc như thế này nha". Nhớ những ngày hè nóng nực, mấy thằng cùng nhau leo lên nóc nhà cao tầng, ngồi tâm sự đủ thứ trên đời…
Lý do vì sao phải đậu vào đại học công quốc lập?
Bình thường các bạn sau khi học xong 2 năm trường tiếng, buộc phải thi lên đại học, hoặc thi lên cao học nếu có bằng đại học ở việt nam rồi, hoặc học trường senmon (trường dạy nghề), hoặc xin đi làm. Nói về học phí thì đắt nhất là trường senmon học trong vòng 2 năm, thông thường rơi vào khoảng 80-150 man 1 năm ( tương đương 160-300 triệu ), trường học phí càng cao thì càng uy tín và cơ hội xin việc làm càng cao. Tiếp đến là đại học tư lập, học phí khoảng 70-120 man 1 năm nhưng hầu như không có chế độ miễn giảm học phí hay học bổng. Còn với đại học công quốc lập chỉ khoảng 56 man 1 năm, và có chế độ học bổng, xin giảm học phí. Ngoài ra còn có trường quốc lập Kosen - 1 dạng đào tạo đại học ngắn hạn, học phí chỉ khoảng 23 man.
Trong trường hợp nếu bạn không cố đậu vào trường công quốc lập thì gánh nặng về học phí khiến bạn phải đi làm thêm nhiều hơn, mà làm thêm nhiều thì khó có thời gian đầu tư cho việc học. Đó chính là cái vòng luẩn quẩn khiến tương lai của bạn ngày càng hạn hẹp.
Để thi vào đại học tôi cần tham gia kì thi Eju - kỳ thi đại học dành cho người nước ngoài. Nếu là khối khoa học tự nhiên thì cần thi tiếng nhật ( max 400 điểm ), toán ( max 200 điểm ), lý hoá ( mỗi môn 100 điểm ), tổng điểm cao nhất là 800 điểm.
Còn đối với khối anh văn thì cần tiếng nhật ( max 400 điểm ), toán ( 200 điểm ), môn kiến thức tổng hợp ( 200 điểm ), tổng cũng 800 điểm.
Với những trường công quốc lập thì cần tổng điểm Eju từ 480 điểm trở lên. Sau khi nộp đơn xét tuyển mà đậu thì đến tận trường đại học đó phỏng vấn, nếu trường càng khó thì có thể yêu cầu test thêm bài luận hoặc thi thêm toán lý hoá gì đó. Còn với trường đại học tư lập, senmon thì chỉ cần phỏng vấn là chính, điểm Eju cũng không yêu cầu mấy, và quan trọng là phải chứng minh tài chính là bạn có theo học được không. Trường hợp xin lên cao học thì viết thư gửi cho 1 giáo sư đại học nào đó về nguyện vọng nghiên cứu của mình. Nếu ok thì sẽ lên tận phòng nghiên cứu để thầy đó phỏng vấn và có thể test cả kiến thức chuyên ngành.
“Vậy làm thế nào để đậu đại học công quốc lập nhật bản bây giờ ?"
Vâng, đó chính là câu hỏi lớn tôi phải tự đặt ra trong đầu, sau khoảng 1 tháng quen dần được với công việc phát báo. Nhưng điểm xuất phát của tôi lúc này chỉ có tiếng nhật ở trình độ sơ cấp (Ttrình độ N3), ngoài ra các kiến thức ôn thi đại học thời cấp 3 cũng đã rơi rụng gần hết khi tôi bắt đầu vào đại học từ hơn 3 năm trước đó. Tôi nghĩ trong đầu "Việc học tiếng Nhật thì mình cứ duy trì sự chăm chỉ và cố gắng như bây giờ thì mình tin mình sẽ giỏi. Nhưng vấn đề nằm ở việc ôn lại kiến thức cấp 3 bằng tiếng nhật. Liệu trong vòng hơn 1 năm tới mình có ôn thi kịp không, trong khi với công việc hiện tại thời gian ngủ mình còn thấy thiếu, và lấy tài liệu ở đâu để ôn thi bây giờ?".
Thế là hàng tối sau 7h, sau 1 ngày phát báo và đi học vất vả, tôi lại mang giấy bút sang phòng của Quảng, mượn sách để ôn thi đại học, có gì không hiểu thì còn hỏi ngay. Ấn tượng đầu tiên khi mở mấy cuốn sách ôn thi toán lý hoá tiếng nhật ra thật là sốc. Trình độ tiếng nhật của tôi như của 1 cậu học sinh lớp 1 nhưng lại đem sách cấp 3 ra ôn thi đại học vậy. Trong sách toàn chữ tượng hình là tượng hình. Bạn nào học tiếng nhật sẽ biết cấu tạo tiếng nhật gồm 3 loại chữ là Hiragana - chữ biểu âm dùng để phát âm là chính, chữ Katakana - 1 loại chữ biểu âm ngoại lai lấy từ những từ tiếng anh, và khó nhất là chữ Kanji - chữ tượng hình mang ý nghĩa. Khó nhất là việc nhớ được những chữ tượng hình, nó thậm chí còn khó hơn chữ Hán Trung Quốc, vì chữ Kanji nhật chính là chữ hán cổ.
Mỗi lần dở cuốn sách ra là mắt tôi lại hoa lên, những câu chữ như nhảy múa, nhìn chả hiểu gì. Nhưng tôi không nản chí, mỗi ngày tôi hỏi Quảng và Toàn 1 chút.
Cả tuần đi học đi làm vất vả là vậy, có mỗi ngày chủ nhật được nghỉ, đúng ra được nghỉ thì tôi thấy Quảng và Toàn cắp cặp đi đâu đấy.
- Tôi liền hỏi :"2 người đi đâu đấy cho tôi theo với".
- Quảng trả lời :"Bây giờ bọn em lên trường đại học công nghiệp Tokyo ôn thi đại học, hay là anh có lên theo học cùng không?".
- Tôi hớn hở đáp ngay :"Vậy hả, thế mà không cho anh biết sớm. Vậy xin cho anh theo học nha".
Thế là 3 anh em cũng tận dụng nốt ngày chủ nhật cho việc học. Thời bấy giờ, ở trường đại học công nghiệp Tokyo có mấy anh chị senpai Đông Du đang học ở đó, đều là những người rất ưu tú, nhưng hết lòng vì những Kohai (đàn em đi sau ). Các anh ý mở lớp ôn thi đại học cho những bạn quanh quanh gần tokyo, lớp khoảng gần 30 người. Đến lớp đó tôi mới biết có bạn còn cách chỗ học cả hơn trăm km, đi tàu cả 2 tiếng đồng hồ mà vẫn đến. Tinh thần học tập này khiến tôi càng ngưỡng mộ người Đông Du hơn. Nhưng cái khó khăn lớn nhất của tôi là khoảng cách về kiến thức giữa tôi và các bạn ấy. Trong khi các bạn ấy đã được học toán lý hoá bằng tiếng nhật ở nhà rồi, sang đây chỉ việc ôn rèn cho thêm kiến thức, thì tôi bắt đầu loay hoay từ việc đi dịch đầu bài .
Những buổi đầu mọi người còn nhìn tôi bằng ánh mắt là lạ, bản thân tôi cũng thấy ngại ngại và cũng có lúc thấy hơi nản. Rồi Quảng với Toàn thì học lớp senpai cao hơn, còn tôi học ở lớp kohai thấp hơn, vì mới đến tôi không quen ai nên nhiều lúc thấy mình thật lẻ loi, cô độc. Tôi cứ trằn trọc suy nghĩ :"Sao mà việc ôn thi đại học nó vất vả thế này, nhưng bây giờ mình cũng không còn đường lùi nữa rồi, mình mà không nắm lấy cơ hội này để ôn thi thì chắc mình không thể tự ôn thi đại học được". Sau lần sốc lại tinh thần đó, tôi bỏ bớt cái tôi tự ái hơn, tuy phiền mọi người chút nhưng tôi tích cực hỏi hơn, cứ như thế cứ như thế, dần dần khoảng cách được thu hẹp lại. Rồi tôi cũng ngày càng thân thiết với các bạn Đông Du hơn. Đến nỗi bất kì hoạt động tập thể nào cũng Đông Du tôi cũng tham gia và làm quen thêm nhiều bạn mới, thêm nhiều senpai giỏi mới. Đến nỗi các bạn còn gọi tôi là du học sinh Đông Đà - nghĩa là tôi là sự kết hợp của hội Đông Du và Sông Đà .
Đứng đầu trường Đông Du là thầy Nguyễn Đức Hoè, 1 người thầy vĩ đại. Thầy Hòe là người đã du học ở nhật cách đây cả gần 50 năm trước, và trở thành giáo sư vật lý nguyên tử tại Nhật. Nhưng trong lòng thầy luôn đau đáu mong ước muốn đưa những người con đất việt sang đây để học hỏi đem kiến thức về cho đất nước. Những năm 90 của thế kỉ trước thầy bắt đầu liên kết với hội báo ở nhật và về việt nam mở trường nhật ngữ Đông Du ở sài gòn, sau đó đi tuyển dụng nhân tài khắp cả nước để đưa đi du học. Thầy bây giờ đã hơn 70 tuổi nhưng đều đặn hàng năm vẫn sang thăm các con, vẫn trò chuyện hỏi thăm, truyền thêm lửa để các con, giữ vững tinh thần Đông Du, giữ vững tinh thần vươn lên, 1 người thầy thật vĩ đại.
Qua những lần tham gia như thế này, tôi càng thấy thêm sức mạnh để vượt qua tất cả, và mở rộng được nhiều mối quan hệ hơn, thậm chí tôi còn quen nhiều thế hệ đàn anh đi trước hơn cả những bạn Đông Du cùng khoá.
Ở chung với nhau được 1 năm thì Quảng và Toàn đã đến lúc tốt nghiệp phát báo, lúc này Quảng đã đậu trường đại học quốc lập ở tỉnh Nagano cách Tokyo khoảng hơn 400 km, còn Toàn đậu trường công lập tại Gunma cách Tokyo hơn 200 km. Tôi vừa mừng cho 2 đứa nhưng cũng thấy buồn vì tạm phải rời xa 2 người anh em chí cốt, đã cùng tôi trải qua những khó khăn của cuộc đời. Để không phụ lòng 2 đứa tôi dặn lòng quyết tâm hơn, bằng mọi giá sẽ đậu.
Và cứ thế thời gian cũng trôi mau, ngày thi kỳ thi Eju quyết định gần tới. Lúc này người tôi như ngồi trên đống lửa vì áp lực phải đậu. Bình thường tôi ôn thi từ 7h - 9h tối rồi ngủ khoảng hơn 4 tiếng đến 1h30 sáng hôm sau bắt đầu 1 ngày mới. Nhưng lúc này vì áp lực, tôi học đến tận gần 12h chỉ chợp mắt 1 tẹo rồi 1h30 dậy đi làm, tính ra 1 ngày chắc ngủ được khoảng 2 tiếng @@. Tôi cứ như vậy trong hơn 1 tháng liền trước kì thi. Tôi cứ như người say trong giấc mơ vào đại học. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu sao mình có sức mạnh ấy. Trước ngày thi tôi cố gắng nghỉ ngơi để lấy lại sức khoẻ và độ minh mẫn đầu óc.
Rồi ngày thi cuối cùng cũng đã đến. Đó là 1 buổi sáng chủ nhật nóng bức, nó nóng như kì thi này vậy. Tôi dậy từ 5h sáng và ra công viên để hít thở khí giời, để tĩnh lặng :"Không biết hôm nay có là 1 ngày may mắn của tôi hay không "...
Thôi tôi xin khép lại phần 4 câu chuyện ở đây. Trong phần tiếp sẽ là kết quả kỳ thi Eju và cuộc chiến thực sự khi đăng ký xét tuyển đại học. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ theo dõi. Hẹn gặp lại.
Tác giả: Vũ Mạnh An - BQT Group Vùng kín kỹ sư
Mời các bạn đọc tiếp Seri
Con đường trở thành một kỹ sư tại Nhật bản (Phần 1)
Con đường trở thành một kỹ sư tại Nhật bản (Phần 2)
Con đường trở thành một kỹ sư tại Nhật bản (Phần 3)
Con đường trở thành một kỹ sư tại Nhật bản (Phần 5)