Chào các bạn !
Ở phần 4 câu chuyện chắc các bạn đã phần nào hiểu được cách thức thi đại học bên nhật rồi đúng không nào. Kết thúc phần 4 là đoạn : "Rồi ngày thi cuối cùng cũng đã đến. Đó là 1 buổi sáng chủ nhật nóng bức, nó nóng như kì thi này vậy. Tôi dậy từ 5h sáng và ra công viên để hít thở khí giời, để tĩnh lặng : "không biết hôm nay có là 1 ngày may mắn của tôi hay không ! “.
Đó là 1 buổi sáng chủ nhật vào giữa tháng 6 năm 2012. Tuy chưa phải thời điểm nóng nhất trong năm tại nhật, nhưng nhiệt độ cao nhất trong ngày cũng lên tới trên 35 độ, chẳng kém mấy so với ở việt nam. Dậy từ sớm, tôi cố kiếm cho mình 1 không gian yên tĩnh ở công viên cạnh nhà. Trong tiếng ve sầu kêu râm ran, tôi cố gắng nhắm mắt tập trung tĩnh lặng, tôi tưởng tượng cảnh mình bước vào phòng thi, cách mình làm bài thi 1 cách ngon lành như hồi tôi thi đại học ở việt nam vậy. Tôi muốn tưởng tượng đến những điều tốt đẹp, những điều khiến tôi tự tin hơn, phấn chấn hơn.
8:30 tôi có mặt tại trường thi, trước giờ thi khoảng 1 tiếng. Ở đây, thi cùng tôi hôm nay có hàng ngàn bạn du học sinh nước ngoài khác. Mỗi người 1 tâm trạng, 1 mục tiêu, nhưng tôi biết rằng rất nhiều bạn đem theo khao khát giống như tôi. Tôi cảm nhận được sự khốc liệt của cuộc chiến này.
9:00 tôi bắt đầu phần thi tiếng nhật, môn này kéo dài 125 phút. Bao gồm phần viết tự luận về 1 đề tài nào đó, sau đó là phần đọc hiểu, và cuối cùng là phần nghe. Ra khỏi phòng thi phần tiếng nhật, tôi thấy hơi choáng váng vì độ khó của kỳ thi này, nhưng tôi vẫn cố tự động viên mình bình tĩnh.
Buổi chiều từ 13:30 〜 15:00 tôi tiếp tục phần thi lý và hoá trong vòng 80 phút. Phần thi này tôi tự tin hơn 1 chút xíu vì cũng coi như làm được bài trong khả năng kiến thức của mình. Nhưng ở phần thi cuối cùng là môn toán, từ 15:40 〜 17:10 trong vòng 80 phút. Có lẽ vì khá căng thẳng trong những phần thi trước nên tôi cảm thấy mệt, có những câu tôi đã từng gặp nhưng không tài nào bình tĩnh nhớ ra cách giải.
17:30, cuối cùng ngày thi cũng đã kết thúc. Tôi thẫn thờ bước đi trong sự mệt mỏi về thể xác, lẫn tinh thần. Tôi bước lên tàu điện như người không hồn, vừa mệt, vừa buồn vì không được như ý. Nhưng sau bao dòng suy nghĩ trôi qua, cuối cùng tôi cũng nhớ lại những vất vả mình đã vượt qua, nhớ lại những cố gắng đã làm để tự an ủi mình : "Dù sao mình cũng đã làm hết sức rồi, kết quả như thế nào đi nữa mình cũng sẽ chấp nhận “.
Sau đó tôi thấy lòng mình nhẹ hơn. Về gần đến nhà tôi vào 1 cửa tiệm, ăn 1 món sang hơn mọi ngày, như phần thưởng cho sự cố gắng bao ngày qua. Về đến nhà, nghe 1 bài nhạc yêu thích, rồi chìm sâu vào giấc ngủ, để chuẩn bị cho ngày mai tiếp tục chiến đấu. Các bạn à, ai cũng có lúc rơi vào trạng thái buồn chán, thất vọng, nhưng điều quan trọng là mình học được cách bình tĩnh suy nghĩ tích cực để bản thân mình không bị tồi tệ hơn.
Sau kì thi khoảng 1 tháng, ngày báo kết quả cũng đến. Dù dặn mình là đừng quá hy vọng để đỡ thất vọng, nhưng tôi vẫn không hết cảm giác bồn chồn, hồi hộp. Kết quả là môn tiếng nhật tôi chỉ được 240 / 400 điểm, môn lý được 72 / 100 điểm, môn hoá 58 / 100 điểm, môn toán được 120 / 200 điểm ➡︎ tôi được tổng 490 / 800 điểm, một kết quả khiến tôi hơi buồn. Vì mục tiêu ban đầu của tôi là được trên 550 điểm. Ở nhật nếu bạn muốn vào các trường quốc lập hạng A thì điểm EJU thường phải trên 550 điểm, các trường công lập nhóm giữa thường 500 - 550 điểm, từ 450 - 500 điểm vẫn có thể thi nhưng sẽ bất lợi hơn. Tuy nhiên ở nhật họ đánh giá rất cao phần thi phỏng vấn, nên tôi tin mình vẫn còn cơ hội.
Nhận xét về đề thi đại học toán lý hoá của nhật, tôi thấy về cơ bản kiến thức khá tương đồng ở việt nam. Điểm khác biệt đó là ở việt nam những câu đầu thường dễ, một hai câu cuối thì rất khó (tính thời điểm tôi thi đại học là năm 2008 đổ về trước ), đề của Nhật là dạng bài trắc nghiệm, có độ khó đều, phạm vi đề rộng, và yêu cầu phải giải nhanh, gần như không có thời gian suy nghĩ nhiều cho từng bài.
Sau khi nhận kết quả thi này, tôi bắt đầu lên kế hoạch tìm trường đại học. Thời bấy giờ ở Đông Du, mọi người truyền tay nhau cuốn sách "Góp sức mùa thi“. Cuốn sách này có danh sách tất cả các trường đại học hầu như trên khắp nước nhật mà các anh chị sempai Đông Du đã và đang học. Ở đây tôi có thể tìm hiểu được trường đó lấy điểm EJU khoảng bao nhiêu, các năm trước tuyển sinh khoảng mấy người nước ngoài, tỉ lệ chọi, thông tin của sempai để có thể liên lạc, giúp đỡ nếu mình thi trường đó. Tôi may mắn đã quen Quảng và Toàn nên 2 cậu ấy đã để lại cho tôi, họ cũng hi vọng quyển sách sẽ giúp ích cho tôi để đậu đại học.
Vì số điểm của tôi khá khiêm tốn nên bước đầu tôi chọn 3 trường công lập hạng trung để nộp hồ sơ. Trường thứ nhất ở tỉnh gunma cách Tokyo khoảng 125 km, nơi Toàn bạn của tôi đang học. Trường thứ 2 ở tỉnh Fukui cách Tokyo hơn 500 km. Và trường thứ 3 ở tỉnh Gifu cách Tokyo hơn 400 km.
Từ khoảng giữa tháng 12 năm 2012 đến giữa tháng 1 năm 2013, tôi may mắn được cả 3 trường này gọi phỏng vấn. Đó là thời điểm gần như lạnh nhất trong năm, nhiệt độ có lúc xuống âm độ và có cả tuyết rơi. Vì không có tiền, tôi phải đi xe bus xuyên đêm. Cái cảm giác ngồi xe bus xuyên đêm trong cái lạnh cắt da cắt thịt kéo dài hơn 12 giờ đồng hồ, đi hàng trăm cây số thật mệt mỏi. Nhưng may mắn của tôi, đến mỗi địa điểm thi tôi được các anh chị Đông Du đón tiếp rất nhiệt tình. Mọi người cho tôi ngủ nhờ, nấu cơm cho tôi ăn, nghe câu chuyện tôi kể, truyền cho tôi những kinh nghiệm của họ. Tất cả những điều ấy khiến tôi rất cảm động, và quên đi những mệt mỏi.
Nhưng đời không như là mơ, tôi đều bị trượt cả 3 trường, 1 cảm giác thật buồn và mất phương hướng. Sau thất bại đó, tôi bắt đầu nghiêm túc hơn trong việc phân tích thất bại. Tôi nhận ra trong câu trả lời phỏng vấn của mình quá chung chung, không có điểm gì đặc biệt, tôi đã không dám kể câu chuyện riêng của mình, nghĩ lại tôi thấy thật tiếc.
Tôi lại miệt mài tìm kiếm cho mình 1 cơ hội khác, tôi không thể chấp nhận kết quả này. Trong thời điểm khó khăn đó, tôi chợt nhớ đến Khoa, một cậu bạn bằng tuổi tôi nhưng đến nhật trước tôi 2 năm. Khoa là 1 trong những du học sinh tư phí đầu tiên của hệ thống trường đào tạo kỹ sư chất lượng cao Kosen.
Nói qua 1 chút về trường Kosen. Những năm 1960, nước Nhật trên đà phát triển vũ bão, nhu cầu về kỹ sư chất lượng cao phục vụ cho ngành công nghiệp ngày càng cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhà nước nhật quyết định thành lập hệ thống trường Kosen. Mỗi trường Kosen thường có 4 - 5 khoa, chủ yếu là các chuyên ngành cơ khí, xây dựng, kỹ thuật, công nghệ, điện tử… một số ít trường đào tạo thêm chuyên ngành hàng hải. Các trường Kosen nhận học sinh từ năm 15 tuổi và tiến hành đào tạo chuyên sâu trong vòng 5 năm cho đến năm 20 tuổi. Trong đó kiến thức cấp 3 sẽ được học rút gọn trong vòng 2 năm, kiến thức chuyên ngành sẽ học trong 3 năm cuối, nói tóm lại học sinh chỉ học những kiến thức cần thiết nhất để có thể làm việc. Học sinh đỗ vào các trường Kosen thường là những học sinh có thành tích cao ở THCS và việc thi tuyển vào là rất khó. Sau khi tốt nghiệp, trường sẽ cung cấp một khóa học trong vòng hai năm nữa gọi là Senkoka, dành cho các sinh viên có nhu cầu nghiên cứu nâng cao.
Như tôi nói ở trên Khoa là một trong những du học sinh tư phí đầu tiên của việt nam. Trước đó du học sinh Kosen thường là các bạn đi theo diện học bổng chính phủ, đến từ nhiều quốc gia, ví dụ như học bổng Mext ở việt nam. Tôi quyết định liên lạc với Khoa, và tìm hiểu kĩ hơn về ngôi trường này. Tôi nhờ Khoa dẫn tôi đi thăm trực tiếp ngôi trường Kosen Khoa đang học. Đến với Kosen tôi không khỏi choáng ngợp trước khuôn viên rộng, các sân chơi thể thao, các phòng nghiên cứu hiện đại, các bạn học sinh trẻ người nhật. Một cảm giác thân thiện đến lạ thường. Đi dạo cùng với Khoa trên sân bóng chày của trường, tôi cảm nhận đây chính là cánh cửa tiếp theo của mình.
Cuối tháng 1 năm 2013, tôi nộp hồ sơ thi Kosen, và được gọi phỏng vấn. Rút kinh nghiệm từ những thất bại trước, trong lần phỏng vấn này tôi lấy hết can đảm để kể về câu chuyện của tôi. Tôi kể từ chuyện tôi bỏ đại học ở việt nam để quyết tâm sang nhật, chuyện tôi đi phát báo cực khổ nhưng vẫn chăm chỉ ôn luyện học tập, chuyện tôi đã đến tận trường thăm quan, cảm nhận của tôi như thế nào về ngôi trường thân yêu ấy. Tất cả đều bắt nguồn từ cảm xúc thật, tôi kể và kể say sưa mà quên đi mất đây là 1 cuộc phỏng vấn, mọi thứ đều tự nhiên. Trước câu chuyện ấy, tất cả ban giám khảo đã rất xúc động, và còn động viên tôi, hi vọng dù có đậu hay không thì tôi hãy luôn giữ cái tinh thần ấy.
Đến gần giữa tháng 2, cuối cùng điều tôi mong đợi cũng đã tới. Đó là vào 1 buổi chiều mưa se lạnh, như bao ngày tôi đang miệt mài leo từng bậc thang, phát từng tờ báo, tôi nhận được điện thoại của Khoa :"có kết quả trúng tuyển rồi đó. Cậu lên mạng xem xem sao“. Tim tôi đập mạnh, tay tôi run run, tra kết quả. Tôi như oà lên vì sung sướng, cuối cùng thì ông trời cũng công nhận sự cố gắng của tôi :"A! Mình đã đậu rồi “.
Tôi liền gọi điện về cho bố mẹ, trong điện thoại tôi run run nói : "Bố mẹ ơi, cuối cùng con cũng đậu rồi, cuối cùng bao nỗ lực của con, cùng sự ủng hộ của bố mẹ đã được đền đáp “.
Bố mẹ tôi cũng xúc động nói : "Bố mẹ chúc mừng con trai, bố mẹ luôn tin ngày này sẽ tới mà. Bây giờ thì con có thể tạm yên tâm rồi nha. Nhớ ăn uống giữ gìn sức khoẻ để bù lại nha “. Sau đó tôi báo tin vui cho Ngọc (Người yêu tôi, người sau này là vợ của tôi ), rồi cho Quảng, Toàn, Khoa, những người bạn thân thiết để cảm ơn…
Như vậy đấy các bạn, đó chính là những gì đã diễn ra trong 2 năm đầu chiến đấu tại nhật của tôi. Tôi tốt nghiệp trường tiếng, và chuẩn bị hành trang cho 1 chương mới trong cuộc đời....
Thôi đến đây tôi xin phép kết thúc phần 5 của câu chuyện. Trong phần tiếp sẽ là, cuộc sống sinh viên ở trường Kosen, câu chuyện tình yêu của tôi, và đặc biệt con đường xin việc tại nhật của tôi nữa...
Mong các bạn tiếp tục ủng hộ theo dõi.
Tác giả: Vũ Mạnh An - BQT Group Vùng kín kỹ sư
Mời các bạn đọc tiếp Seri
Con đường trở thành một kỹ sư tại Nhật bản (Phần 1)
Con đường trở thành một kỹ sư tại Nhật bản (Phần 2)
Con đường trở thành một kỹ sư tại Nhật bản (Phần 3)
Con đường trở thành một kỹ sư tại Nhật bản (Phần 4)
Con đường trở thành một kỹ sư tại Nhật bản (Phần 6)