Chào các bạn !
Ở phần 5 câu chuyện, kết thúc bằng 1 kết thúc có hậu đó là tôi đã đậu vào ngôi trường mình mong muốn. Trong phần 6 này sẽ là, cuộc sống sinh viên ở trường Kosen, con đường xin việc tại nhật, và đặc biệt là câu chuyện tình yêu của tôi. Chắc hẳn rất nhiều bạn tò mò.
Cuối tháng 3 năm 2013, sau khi tốt nghiệp trường tiếng, tốt nghiệp công việc phát báo sau 2 năm thử thách, tôi lại khăn gói va li lên đường đến miền đất mới, đến ngôi trường mới. Trường Kosen mà tôi đậu là trường thuộc tỉnh Nagano, cách Tokyo tầm hơn 400 km. Khác với Tokyo sầm uất, tỉnh Nagano nổi tiếng về thiên nhiên với những khu nghỉ dưỡng trên núi, nổi tiếng về nông nghiệp, đặc biệt với loại táo mật của vùng đất này, và là 1 trong những tỉnh có tuổi thọ trung bình cao nhất ở nhật, cụ bà sống lâu nhất thế giới 117 tuổi cũng ở đây.
Đến Nagano tôi được gặp lại Quảng, người anh em chí hữu ở cùng tiệm phát báo năm đầu tôi đến Nhật. Quảng lúc đó đang học trường đại học quốc lập Shinshu ở gần đó. Lần nhập học Kosen này ngoài tôi ra còn 3 em người Việt Nam nữa. Cả 3 bạn đều là người Đông Du. 1 bạn tên là Vũ, người hải phòng, học khoa Cơ khí. 1 bạn tên là Tùng, cùng quê nam định với tôi, học khoa Công nghệ thông tin. Còn 1 bạn tên Hoàng, người hà nội, học khoa Tự động hoá. Ngoài mấy anh em việt nam chúng tôi còn 1 bạn đến từ Malaysia, 1 bạn đến từ Mông cổ, cả 2 bạn đều là theo diện học bổng chính phủ.
Chúng tôi nhập học dưới hình thức chuyển tiếp, nên bắt đầu học từ năm 3 cho đến năm 5, không phải học lại kiến thức cấp 3 của năm 1 và 2. Vì chúng tôi là du học sinh tư phí nên tài chính không có nhiều, mấy anh em xin vào ký túc xá của trường. So với thuê ở ngoài hơn 3 triệu 1 người, thì ở ký túc xá chỉ mất 1 triệu 1 người. Có điều ở ngoài thì được tự do hơn, còn ở ký túc xá của trường thì phải quân luật. Cứ đến 9h tối ký túc xá sẽ đóng cửa và 10h tối lại điểm danh từng phòng, buổi sáng sau khi mọi người lên lớp thì các phòng cũng được kiểm tra xem có bạn nào lười nhác trốn học không.
Sau khi ổn định khoảng 1 tuần, mấy anh em xin xe đạp cũ của nhà trường, rồi vác xe đi tìm việc làm bán kính 5km xung quanh trường. Nhưng do là vùng quê, số lượng việc làm cũng ít, cộng thêm mấy anh em chỉ có kinh nghiệm phát báo, chưa ai có kinh nghiệm đi làm thêm quán ăn hay gì cả, nên mất cả 2 tuần giời mà chả đứa nào xin được việc làm thêm. Trước tình trạng bất đắc dĩ này, tôi quyết định đến gặp thầy hiệu phó của trường, trình bày những khó khăn của mấy anh em tư phí chúng tôi, trình bày nguyện vọng muốn tìm 1 công việc làm thêm nào đó để trang trải cuộc sống.
Sau đó vài hôm, mấy anh em được thầy gọi lên phòng, thầy ân cần bảo : "Thầy gọi các em lên vì hôm trước có nghe An kể về chuyện xin việc làm thêm của các em. Thầy cũng thử nhờ mấy học trò của thầy, rất may có 1 bạn bảo tiệm bạn ý làm cũng đang muốn tuyển người. Ngày mai sau giờ học, các em tập trung trước sân trường, thầy chở ô tô đến quán nói chuyện xem sao. Chắc họ sẽ hỏi han thông tin để biết thêm và kiểm tra tiếng nhật các em đó. Các em về chuẩn bị tinh thần nha“. Thế là nhờ sự giúp đỡ của thầy hiệu phó, cả 4 anh em được vào làm tại 1 quán Macdonald cách trường gần 3 km. Thế là tụi tôi tạm yên ổn chỗ ở và việc làm để tập trung vào chuyện học tập.
Lớp của tôi khi đó có khoảng 40 người, các em chỉ mới bước vào độ tuổi 17, 18 tương đương lớp 12 ở mình, trong khi tôi đã 24 tuổi . Các thầy ở trường Kosen tốt bụng còn quan tâm tụi tôi đến mức, xếp cho tôi 1 bạn học giỏi trong lớp có nhiệm vụ, làm 1 người bạn đặc biệt của tôi, sẵn sàng giúp đỡ tôi bất cứ thứ gì trong học tập lẫn cuộc sống. Đó là cậu bé tên Taku, 1 cậu bé hiền lành, hơi nhút nhát. Khi mới vào trường, tôi có nghe trường phổ biến là nếu thành tích hết kỳ 1 của chúng tôi đạt từ nửa trên của lớp trở lên, chúng tôi sẽ được miễn giảm 1 nửa học phí, nếu lọt vào top 5 của lớp thì được miễn hoàn toàn, và có thể đăng ký xin học bổng. Đó thực sự là 1 mục tiêu hấp dẫn đối với tôi.
Mới đầu tôi cũng chưa kịp hoà nhập, vì trong lớp chỉ có mình tôi là người nước ngoài, các bạn người nhật kém tôi những 6 tuổi. Nhưng tôi đã tận dụng tất cả những ưu ái mà các thầy giúp đỡ để quyết tâm học tập. Kết thúc học kì 1, cậu bạn Taku xếp thứ 2, còn tôi xếp thứ 3 ở lớp. 1 kết quả khiến Taku và các bạn người nhật rất bất ngờ. Nhờ thành tích xuất sắc đó tôi đã xin giảm hoàn toàn học phí ( khoảng 23 man tương đương 46 triệu), ngoài ra tôi còn đậu 2 học bổng, được chu cấp tổng cộng là 8 man tương đương 16 triệu mỗi tháng.
Không bị áp lực về tài chính nữa, tôi chỉ xin làm thêm 2, 3 buổi mỗi tuần, và còn xin tham gia hoạt động ngoại khoá. Tôi có tham gia câu lạc bộ bóng đá của lớp. Đến đây tôi mới hiểu vì sao thể thao của Nhật phát triển, thể chất của người Nhật phát triển như vậy. Trường có hệ thống thiết bị nhà thi đấu, sân thi đấu rất hiện đại. Chúng tôi phải học thể dục mỗi tuần, học tất cả các môn từ bơi lội, bóng đá, bóng chày, điền kinh... điều tôi thích nhất đó là sau giờ học hầu như tất cả các bạn người Nhật đều tham gia hoạt động ngoại khoá vào 1 câu lạc bộ mà mình yêu thích, như tôi là tham gia câu lạc bộ bóng đá. Tuy chỉ là hoạt động ngoại khoá nhưng mọi thứ rất chuyên nghiệp như 1 đội bóng chuyên nghiệp vậy, từ giày đá, quần áo, đến giáo án tập luyện. Mỗi năm trường sẽ tổ chức hội thao của trường cho tất cả các bộ môn thi thấu, kể cả các thầy cô cũng lập đội tham gia. Ấn tượng hơn nữa, đối với các bạn nhật, các bạn ấy rất tâm huyết với câu lạc bộ mình tham gia, nhiều khi việc của câu lạc bộ còn quan trọng hơn chuyện học ý. Trước mỗi đại hội mọi người đều rất quyết tâm chăm chỉ tập luyện, và tham gia với tinh thần giành lấy giải. Nhìn cảnh cổ vũ nhiệt tình, rồi những giọt nước mắt hồn nhiên rơi mỗi khi đội nhà thất bại, khiến tôi thật cảm động, tôi ước gì tôi đang chứng kiến cảnh tượng ấy trên quê hương mình... nếu vô địch giải trường, đội sẽ được đại diện đi tham gia giải thành phố, rồi cứ thế lên đến giải toàn quốc.
Ngoài câu lạc bộ bóng đá, tôi còn tham gia 1 câu lạc bộ kết cấu của trường. Năm 2014 tôi có cùng đội tuyển kết cấu của trường đi thi toàn quốc, tuy không giành được giải nhưng tôi học hỏi được nhiều điều. Trong team mọi người rất sẵn lòng từ bỏ cái tôi cá nhân vì tập thể chung. Ví dụ ngay từ đầu các vị trí trong team sẽ được bình chọn, và mọi người hiểu rõ vai trò của mình và cố gắng làm tốt nhất nhiệm vụ đó, không hề có sự đố kị nhau nên team hoạt động rất trơn tru.
Sống ở Nagano, một điểm nữa tôi rất thích, đó là con người nơi đây rất thân thiện. Từ thầy cô bạn bè đến người dân xung quanh. Ở cạnh trường có 1 tiệm cắt tóc nhỏ của 1 cặp vợ chồng bác người Nhật tầm 50 tuổi. Vợ chồng bác ý rất quý các bạn du học sinh nước ngoài. Bình thường người nhật cắt khoảng 300-400 ngàn, nhưng bác chỉ lấy mấy anh em tôi 200 ngàn, rồi lần nào bác ý cũng trò chuyện nhiệt tình lúc cắt tóc, rồi khi ra về còn cho đồ ăn hoặc hoa quả.
Cứ như vậy cuộc sống sinh viên tại Kosen của tôi êm đềm trôi đi mà không nhiều biến cố và vất vả như 2 năm đầu phát báo.
Năm 3, năm 4 tôi được dạy kiến thức cơ bản của tất cả các lĩnh vực trong ngành xây dựng, từ thiết kế, kết cấu, đổ bê tông, đến nước, môi trường... Sang năm 5 tôi phải đăng ký vào 1 phòng nghiên cứu, để chuyên sâu lĩnh vực mình muốn theo đuổi.
Tôi xin vào phòng nghiên cứu về nền móng. Lý do tôi chọn lĩnh vực này vì tôi nghĩ, tất cả các công trình không thể thiếu phần nền móng, và tương lai chính là những công trình ngầm. Ngoài việc tham gia phòng nghiên cứu, một việc quan trọng hơn đó là chúng tôi phải xác định cho mình con đường tương lai ngay trong năm học này. Có 3 sự lựa chọn cho tôi.
Lựa chọn thứ nhất, đó là học thêm khóa chuyên sâu về lĩnh vực mình nghiên cứu trong vòng 2 năm ngay tại trường. Ưu điểm, đó là không phải thi cử gì nhiều chỉ việc học liên thông lên, và cuộc sống không có gì nhiều thay đổi nên ổn định. Nhược điểm, sẽ là thiếu thú vị với người muốn trải nghiệm thật nhiều.
Lựa chọn thứ 2, đó là thi liên thông lên đại học, sẽ học năm 3 và 4 của đại học. Ưu điểm, có cơ hội thi liên thông lên các đại học top đầu của nhật. Đã có nhiều bạn liên thông lên đại học hàng đầu của nhật là đại học Tokyo. Học sinh Kosen khi lên đại học học cũng rất xuất sắc và khá nhàn, vì nhiều bộ môn và đề tài nghiên cứu họ đã làm khi học Kosen rồi. Nhược điểm, phải thi cử cạnh tranh, và phải bắt đầu cuộc sống mới.
Sự lựa chọn thứ 3, đó là xin đi làm luôn. Tỉ lệ xin việc của Kosen là 100 %. Vì số lượng học sinh ít, và chất lượng đào tạo cũng tốt. So với các bạn đại học thì các bạn Kosen có kinh nghiệm thực hành tay nghề cao hơn nhiều và chăm chỉ hơn, do chủ chương học thực hành là chủ yếu. Nhưng các bạn đại học sẽ được học tổng quát, đa dạng hơn nên cách nhìn nhận và suy nghĩ có lẽ sẽ tốt hơn các bạn Kosen. Học sang năm thứ 5, tôi mới biết đa số các bạn trong lớp là con các chủ xí nghiệp, những người có địa vị trong khu vực được gửi gắm đến. Hàng năm nhiều công ty cũng đến giới thiệu, tư vấn, tuyển chọn rất là nhiều. Từ Kosen cũng rất nhiều bạn vào làm tại các tập đoàn lớn của nhật. Tuy nhiên nhược điểm là lương khởi điểm sẽ thấp hơn các bạn đại học 1 chút.
Mỗi sự lựa chọn có 1 cái hay của nó. Nhưng ở thời điểm đó tôi có suy nghĩ, mau chóng học việc ở Nhật để về việt nam cống hiến, với lại lúc đó tôi cũng đã có người yêu và muốn lập gia đình sớm. Cho nên tôi nghĩ : "Thay vì mình học liên thông lên đại học để tô điểm đẹp thêm tấm bằng, mình sẽ vào 1 tập đoàn lớn, cố gắng lấy kinh nghiệm nhiều nhất có thể để sớm về việt nam. Đó chính là tấm bằng giá trị nhất rồi. Mình cũng muốn lập gia đình sớm, đi làm thì mình sẽ sớm ổn định, lo cho vợ con được hơn là vẫn còn đi học “. Sau khi cân đo, so sánh tất cả tôi quyết định xin đi làm.
Để xin được việc làm của nhật, bạn cần phải nộp CV, nếu đậu thì tiếp tục trải qua kỳ thi SPI, phỏng vấn, bài test kiến thức cơ bản tuỳ từng công ty. Nói về kỳ thi SPI, đó là kì thi kiểm tra về năng lực tư duy logic và tính cách thông qua các câu hỏi trắc nghiệm nhanh. Thông thường sẽ làm 1 bài test SPI kiểm tra tính cách trên mạng trước, nếu đậu sẽ đến 1 center để thi SPI về tư duy logic. Kỳ thi SPI cũng tương đối khó kể cả với người nhật. Sau khi đậu SPI, bạn sẽ được vào vòng phỏng vấn.
Thông thường sẽ có 3 vòng, vòng 1 là bên nhân sự phỏng vấn, vòng 2 là các trưởng phòng, và vòng cuối là các thành viên trong hội đồng quản trị công ty. Về nội dung phỏng vấn, vòng 1 là vòng làm quen, sẽ có những câu hỏi như lý do chọn công ty, chọn ngành, vì sao quyết định du học nhật, điểm mạnh, điểm yếu... Vì là vòng làm quen nên nhà tuyển dụng sẽ không hỏi sâu vào câu trả lời của bạn, chủ yếu hỏi xoay quanh những gì bạn viết trong CVl, qua được vòng này coi như bạn đã đi được 60% quãng đường.
Vòng 2 là vòng tìm hiểu sâu hơn về tính cách, cũng như sự tìm hiểu về công ty, về công việc của bạn, qua được vòng này là đã đậu 80%. Và vòng cuối là vòng xác nhận lại ý chí, nguyện vọng muốn vào công ty của bạn. Các câu hỏi sẽ nhẹ nhàng hơn và đỡ căng thẳng hơn, thậm chí có thể là những câu hỏi về đời sống thường ngày, sở thích của bạn.
Giữa tháng 3 năm 2015, sau khi trình bày nguyện vọng muốn xin việc với thầy chủ nhiệm. Thầy có giới thiệu cho tôi 1 tổng thầu tên là Nishimatsu khá lớn (doanh thu cỡ hơn 3 tỉ usd / năm), lại nghe nói có kĩ sư người việt ở đó. Tôi mừng lắm, và rất hi vọng có thể vào công ty đó. Cuối tháng 3 sau khi liên hệ thông qua nhà trường, tôi được gọi lên trụ sở chính công ty trên Tokyo, cho 1 buổi phỏng vấn nhẹ nhàng. Vượt qua hơn 400 km, tôi quay lại Tokyo với 1 niềm hi vọng lớn lao. Tiến tới trụ sở công ty, tôi được hẹn đợi ở sảnh công ty. Sau khoảng 5 phút đợi, 1 người đàn ông trung niên ra chào đón tôi, mời tôi vào 1 phòng nhỏ, chỉ có 2 người ngồi nói chuyện với nhau. Cuộc phỏng vấn diễn ra chóng vánh, nhanh hơn so với những gì tôi tưởng tượng. Tôi hụt hẫng ra về và cảm thấy bất an, cảm thấy không hài lòng.
Rồi 1 tuần, 2 tuần trôi qua không thấy hồi âm gì từ phía công ty, tôi càng bồn chồn hơn. Sang tuần thứ 3, đúng như tôi dự đoán, có thư từ chối khéo của công ty. Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý trước nhưng tôi không hết hụt hẫng, vì mình đã rất hy vọng. Nhưng tôi chỉ cho phép mình dằn vặt bản thân 1 ngày. Đến ngày hôm sau, tôi bắt đầu đi tìm nguyên nhân của thất bại này. Tôi bắt đầu lục lại trí nhớ. Đúng rồi chính là những hành động ấy, câu trả lời ấy đã khiến tôi mất điểm. Tôi nhớ, lúc tôi chờ ở sảnh thay vì nên đứng chờ tôi lại ngồi xuống và xem điện thoại. Rồi còn bị bác ấy nhắc cài cà là vạt chưa chặt, vẫn còn hở 1 cúc áo trên cùng. Rồi trong buổi phỏng vấn bác ấy có hỏi tôi muốn làm ở nhật lâu dài không. Thay vì trả lời "làm lâu dài "thì tôi lại thật thà nói chỉ muốn làm 5 năm rồi về nước cống hiến. Rồi khi tiễn tôi ra đến thang máy, bác ấy đứng trước thang máy, tôi đứng trong thang máy, 2 người cúi chào nhau thì tôi là người ngửa mặt lên trước. Thông thường phải cúi chào giữ nguyên cho đến khi thang máy đóng cửa lại và không nhìn thấy nhau nữa.
Đó chính là thất bại đầu tiên của tôi trong cuộc chiến này, chỉ vì sự thiếu hiểu biết, thiếu chuẩn bị, và thật thà của mình. Tôi quyết tâm làm lại. Tôi bắt đầu từ việc trang bị lại những kiến thức cơ bản khi đi xin việc, kiến thức khi phỏng vấn. Thậm chí tôi còn xách ba lô lên, quay lại tokyo để tham gia các hội chợ việc làm. Tại đây tôi không chỉ học thêm nhiều thứ về xin việc, mà tôi còn vô tình gặp làm quen được 1 anh bên công ty Hunter. Thông thường các Hunter sẽ là cầu nối trung gian cho thí sinh và các công ty vừa nhỏ, họ sẽ support cho đến khi thí sinh đó được tuyển. Nếu được tuyển họ sẽ nhận được thù lao từ phía công ty. Về đến trường, sau hồi suy nghĩ tính toán, tôi quyết định viết mail cho anh ấy, nhờ anh ấy tìm cho tôi 1 công ty vừa vừa. Kế hoạch của tôi là, tôi sẽ ứng tuyển công ty vừa vừa do anh hunter kia giới thiệu trước, sau đó khoảng 2 tuần tôi sẽ xin ứng tuyển 1 công ty lớn tôi muốn vào là Tokyu. Làm như vậy thì tất cả các vòng phỏng vấn ở công ty vừa vừa kia sẽ là màn diễn tập tuyệt vời cho tôi trước khi phỏng vấn công ty lớn. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này tôi chuẩn bị các câu hỏi phỏng vấn rất kĩ. Tôi nhờ tất cả các thầy trong khoa cứ sau mỗi giờ học giúp tôi luyện phỏng vấn. Qua mỗi lần thầy phỏng vấn, tôi được góp ý rất nhiều giúp bài phỏng vấn của tôi càng hoàn thiện hơn. Rồi trước mỗi vòng phỏng vấn công ty vừa vừa kia, tôi đều được anh hunter hẹn từ hôm trước để phỏng vấn thử. Tôi chuẩn bị kỹ tới mức, ăn ngủ suốt ngày còn mơ đến phỏng vấn, động đến câu hỏi nào gần như bật ra câu trả lời luôn mà không bị ấp úng. Chính sự chuẩn bị kỹ càng này, giúp tôi tự tin trong tất cả các cuộc phỏng vấn.
Kết quả là tôi đã trúng tuyển công ty lớn Tokyu, một trong những tổng thầu lớn thuộc hàng top ở nhật, doanh thu cỡ 3 tỉ usd / năm, và công ty vừa kia cũng vào đến vòng cuối.
Các bạn ạ, có câu : "Thành công chính là kết quả của 80% chuẩn bị “. Tôi thấy câu nói này quả không sai. Thời kì xin việc cũng rất vất vả, vì tôi vừa phải làm đồ án tốt nghiệp, vừa phải sắp xếp thời gian đi đi về về từ Nagano lên Tokyo không biết bao nhiêu lần, nhưng kết quả nhận lại thật xứng đáng.
Quay ngược dòng thời gian một chút. Đó là vào giữa tháng 9 năm 2012, tháng có kì nhập học trường tiếng của các Kohai (đàn em đi sau). Mấy sempai (đàn anh đi trước) tụi tôi lại háo hức đi xem mặt Kohai để hỏi han giúp đỡ (thực ra đi xem mặt có em kohai nữ nào xinh không ). Trước khi các kohai đến nhật, tôi cũng nghe phong thanh có 1 bạn nữ khá dễ thương nên cũng tò mò lên thăm Kohai cùng. Nhưng rất tiếc hôm tôi lên, em ý lại không có ở chỗ tập trung. Sau đó khoảng mấy tuần tại trường tiếng, tôi được nhà trường gọi lên giúp đỡ mấy bạn Kohai mới nhập học về thủ tục giấy tờ này nọ. Trong số các bạn kohai, tôi được gặp Ngọc, 1 cô gái trông dễ thương, mảnh khảnh, dáng khá tiểu thư. Ngọc chính là cô bé tôi muốn gặp bữa trước mà chưa có duyên.
Qua trò chuyện tôi được biết Ngọc được phân về tiệm báo ở ga cách chỗ tôi mấy ga. Vì gần nhà nên từ sau hôm đó, tôi có dẫn Ngọc đi làm 1 số thủ tục giấy tờ, và 2 người bắt đầu có cơ hội trò chuyện với nhau nhiều hơn. Vì Ngọc khá xinh xắn nên vừa đến đã là tâm điểm chú ý của tất cả các anh sempai. Tính sơ sơ tôi cũng thấy có 4,5 anh khác đang muốn tán tỉnh Ngọc. Thời bấy giờ con gái đã hiếm, mà lại xinh thì càng hiếm hơn. Khác với các anh chàng khác lúc nào cũng tỏ ra ga lăng, thể hiện ra mặt thích Ngọc, thì tôi lại có cách tiếp cận khác. Tôi nhiều lúc tỏ ra lạnh lùng, không hề ga lăng, nhưng những lúc Ngọc cần tôi luôn cố gắng xuất hiện kịp thời.
Có lẽ vì sự khác biệt này tôi và Ngọc bắt đầu chú ý đến nhau. 2 đứa quyết định hàng sáng đợi nhau cùng đi chung 1 chuyến tàu để đi học. Càng tìm hiểu, tôi mới biết đằng sau dáng vẻ tiểu thư ấy là 1 cô bé sống nội tâm và chịu nhiều vất vả. Có 1 lần tôi quyết định hẹn Ngọc lên ga Shibuya uống cà phê, có thể nói đó là buổi hẹn hò đầu tiên của chúng tôi. Lúc đó Ngọc mới tâm sự cho tôi về hoàn cảnh của Ngọc. Chuyện, Ngọc là con nhà nông, từ nhỏ đã phải làm nông rất nhiều. Bố mẹ Ngọc từng làm ăn nhưng bị thua lỗ nặng, cả 2 bố mẹ phải vào Nam đi làm kinh tế mới, để lại Ngọc 1 mình chăm em gái 3 tuổi khi Ngọc mới học lớp 8. Tuy mới học cấp 2 nhưng Ngọc đã phải cầm tiền triệu đi trả nợ cho bố mẹ. Vắng bố mẹ, Ngọc phải đảm nhận tất cả đồng ruộng, mùa màng. Nhà khó khăn bố mẹ còn định không cho Ngọc đi học cấp 3, nhưng Ngọc quyết xin bố mẹ cho thi bằng được, nếu không đậu thì sẽ chấp nhận ở nhà...
Qua lần tâm sự ấy, tôi thật sự bất ngờ, trước dáng vẻ mảnh mai tiểu thư xinh gái ấy, là 1 cô bé có hoàn cảnh tương đối đặc biệt, nhưng cũng rất chịu thương chịu khó. Kể từ sau đó, 2 đứa tôi tâm sự với nhau nhiều hơn, dần hiểu nhau hơn. Rồi, trong 1 lần đi chơi với các bạn về, tôi đã quyết định tỏ tình với Ngọc ngay trên tàu điện. Đó là ngày 24 tháng 10 năm 2012, ngày chính thức chúng tôi thể hiện tình cảm với nhau. Cứ như thế, Ngọc sát cánh cùng với tôi trong kì ôn thi đại học. Luôn ủng hộ tôi khi tôi cần dành thời gian tập trung cho việc học.
Nhưng... có 1 biến cố xảy ra. Đó là lần tôi về việt nam đầu tiên trước khi nhập học Kosen. Khi về nước chúng tôi vẫn nhắn tin liên lạc bình thường. Bỗng 1 hôm tôi nhận được 1 tin nhắn của Ngọc, đại loại chửi mắng tôi thậm tệ, chửi tôi là đồ đểu, đồ lừa đảo. Tôi thực sự sốc, tôi tìm đủ mọi cách liên lạc với Ngọc mãi mới được. Tôi yêu cầu giải thích, thì Ngọc cười phá lên, nhưng sau đó xin lỗi tôi ngay lập tức. Ngọc bảo đó chỉ là tin nhắn của 1 cô bạn viết cho bạn trai, khi bị anh ta lừa, nhưng Ngọc muốn gửi thử cho tôi xem tôi phản ứng thế nào. Tưởng câu chuyện chỉ kết thúc ở đó, nhưng thực ra bố mẹ tôi đã đọc được tin nhắn đó (quá đen đủi) :((. Bố mẹ tôi giữ im lặng cho đến khi tôi qua nhật. Qua đến nhật, tôi cùng Ngọc ở nhà 1 người bạn chung để chơi mấy ngày trước khi dọn đồ chuyển lên trường Kosen.
Tôi bỗng nhận được điện thoại của chị gái. Trong điện thoại chị gái nói : "Chị biết em đang yêu bé Ngọc kia. Nhưng hôm em về bố mẹ có đọc được tin nhắn của 2 đứa, bố mẹ rất sốc và bực mình đó. Bố mẹ cũng muốn e dừng chuyện tình cảm này lại. Chị không biết em Ngọc kia là người như thế nào, nhưng bản thân chị là người ngoài, nghe những câu đấy chị cũng sốc, và rất lo cho em. Nhiều khi em là người trong cuộc, chưa chắc em đã tỉnh táo bằng người ngoài đâu. Em suy nghĩ cho kĩ nha“. Trước sức ép từ phía bố mẹ, và người chị đáng kính của tôi, nói thật tôi đã bị lung lay. Buổi tối hôm đó vì rất khó nghĩ, nên thái độ tôi khác hẳn với Ngọc, mặt buồn thiu. Ngọc cảm nhận được điều đó nên gặng hỏi, nhưng tôi chẳng rằng chẳng thưa. Đến nửa đêm, Ngọc không chịu được nữa liền bật dậy, đi 1 mình ra ngoài đường. Tôi lo quá liền bật dậy đi theo. Tôi kể cho Ngọc về chuyện tin nhắn, và phản ứng của gia đình. Sau đó chúng tôi bình tĩnh hơn, và trở về phòng.
Đến sáng hôm sau, lúc tiễn Ngọc lên tàu về nhà, Ngọc liền nói lời chia tay với tôi vì rạn nứt hôm qua. Lúc đó tôi đã mất bình tĩnh nên cũng đồng ý. Ngồi trên tàu tôi như người mất hồn, không tin chuyện này đã xảy ra, vì tôi còn rất yêu Ngọc, và tôi tin Ngọc cũng vậy. Sau hôm đó, chúng tôi vẫn cố liên lạc với nhau nhưng với tư cách sempai, kohai. Được 2 hôm thì Ngọc bảo muốn gặp lại tôi, tôi mừng lắm liền quay lại Tokyo để gặp. Lúc đó Ngọc mới tâm sự, sau khi chia tay, Ngọc có tâm sự với 1 người anh đáng kính, anh ý đã khuyên Ngọc nối lại tình cảm vì đó chỉ là thử thách nhỏ cho 2 đứa. Kể từ lần rạn nứt đó, chúng tôi càng trân trọng nhau hơn và đó cũng là lần duy nhất tính đến thời điểm bây giờ chúng tôi nói chia tay (cũng gần 7 năm rồi )
Kể từ khi tôi nhập học Kosen, 2 đứa bắt đầu yêu xa. Tôi thương Ngọc lắm, vì Ngọc phải phát báo rất vất vả. Nếu bạn nào đọc về công việc phát báo của tôi sẽ biết tôi đã vất vả như thế nào, thì Ngọc là con gái sẽ vất vả hơn rất rất nhiều nữa. Tôi vẫn nhớ như in mùa đông năm 2013, ở Tokyo lại có bão tuyết. Nửa đêm Ngọc gọi điện cho tôi, vừa phát báo vừa khóc trong điện thoại vì bão tuyết. Tôi ở xa mà không hề giúp được gì cho người yêu mình, ruột gan tôi cũng như cắt.
Vì đã từng trải qua 1 cuộc sống khó khăn của gia đình nên cô ấy trân trọng từng đồng tiền kiếm được, lại rất thương bố mẹ nên Ngọc chắt chiu tiết kiệm thật nhiều để gửi về nhà. Trong số các bạn hội Sông Đà sang, không có ai tiết kiệm bằng Ngọc.
Sau khi tốt nghiệp trường tiếng, Ngọc thi đậu vào 1 trường đại học về kinh tế ở tỉnh Gunma.là tỉnh mà Toàn người anh em của tôi học ở đó. Tôi lại sống ở tỉnh Nagano, cách Gunma những gần 300 km, nên 2 đứa lại xa cách. Tuy vậy, tôi vẫn cố gắng sắp xếp 1,2 tháng lên thăm Ngọc 1 lần. Lên đại học rồi, nhưng Ngọc vẫn chăm chỉ học, chăm chỉ làm thêm mấy việc, để trả học phí, vì Ngọc cũng xin được miễn giảm 60% học phí nên cũng vẫn gửi tiền về đỡ đần bố mẹ được. Yêu nhau mấy năm là vậy, số lần chúng tôi đi ăn hàng chỉ đếm trên đầu ngón tay, lúc nào cũng chỉ muốn tiết kiệm cho tương lai.
Qua thời gian, chúng tôi đã chứng minh cho bố mẹ thấy tình yêu của mình là đúng đắn. Tuy thời điểm bị phản đối, tôi đã lung lay nhưng tôi đã tin vào trực giác của mình, tin vào quyết định của mình.
Đến tháng 6 năm 2015, sau khi đã trúng tuyển vào công ty xây dựng lớn, tôi quyết định xin phép bố mẹ cho chúng tôi kết hôn, và tất nhiên không còn lý do gì để từ chối nữa vì lần trước chỉ là hiểu lầm, và qua 1 thời gian tìm hiểu bố mẹ và chị gái tôi cũng đã hiểu hơn về con người Ngọc....
Và 1 đám cưới trọn vẹn đã diễn ra vào tháng 3 năm 2016, cũng là trước 1 tháng khi tôi chính thức vào công ty làm.
Vâng, đó chính là những gì đã diễn ra trong 5 năm đầu tại nhật của tôi. Liệu việc trúng tuyển công ty mình mong ước, và lấy được người vợ mình hết mực yêu thương, đó đã là happy ending hay chưa. Liệu còn những khó khăn thử thách gì sẽ đợi chúng tôi ở phía trước.
Trong phần 7 sẽ còn rất nhiều điều thú vị chờ đợi, và xin bật mí đó là phần cuối trong chuỗi tự chuyện gần 10 năm ở nhật của tôi. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ theo dõi.
Tác giả: Vũ Mạnh An - BQT Group Vùng kín kỹ sư
Mời các bạn đọc tiếp Seri
Con đường trở thành một kỹ sư tại Nhật bản (Phần 1)
Con đường trở thành một kỹ sư tại Nhật bản (Phần 2)
Con đường trở thành một kỹ sư tại Nhật bản (Phần 3)
Con đường trở thành một kỹ sư tại Nhật bản (Phần 4)
Con đường trở thành một kỹ sư tại Nhật bản (Phần 5)
Con đường trở thành một kỹ sư tại Nhật bản (Phần 7)