Chào các bạn !
Vậy là lại 1 tuần nữa trôi qua rồi, ở tuần này tôi sẽ chia sẻ tiếp phần 7, và tạm thời cũng là phần kết của series kinh nghiệm gần 10 năm sống ở Nhật của tôi. Trong phần 6, kết thúc câu chuyện là 1 happy ending "tôi đậu vào tập đoàn lớn, và lấy được người vợ mình hết mực yêu thương“
Đến phần 7 này sẽ là lý do vì sao tôi chọn công việc này, thực tế làm trong 1 tập đoàn lớn ở nhật như thế nào, cuộc sống gia đình ra sao?... Và đặc biệt, đó là định hướng tương lai của tôi.
"Thi công" hay "Tư vấn thiết kế"❓❓❓
"Xây dựng cơ sở hạ tầng" hay "Kiến trúc" ❓❓❓
"Công ty lớn" hay "công ty bé"❓❓❓
Vâng tôi cũng giống như bao bạn trẻ khác, luôn tự chất vấn mình khi định hướng cuộc đời. Để tìm câu trả lời cho câu hỏi ấy, không có cách nào khác phải tự phân tích bản thân, lắng nghe lời khuyên từ các bậc tiền bối.
Trước hết nói về nghề thi công, bạn sẽ phải đi công trường nhiều, tuy nắng gió vất vả, nhưng thứ nhất là có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu học hỏi với nhiều người, thứ 2 là học được những kinh nghiệm thực tế từ những tình huống phát sinh mà không ghi trong sách vở nào, từ đó sẽ linh động hơn trong cách suy nghĩ tư duy và xử lý tình huống.
Trong khi đó, nghề tư vấn thiết kế sẽ thiên về văn phòng, về mặt sức khoẻ có lẽ sẽ đỡ hơn là đi công trường, công việc yêu cầu lối suy nghĩ logic, chính xác, nhưng tính chất công việc thiên về sự độc lập hơn là đội nhóm.
Bản thân tôi là người hướng ngoại, luôn muốn đi đây đó, gặp nhiều người để mở mang đầu óc. Thời điểm đó tôi cũng hỏi ý kiến 1 người anh đáng kính tên là Duy, đã đến nhật trước tôi 5 năm. Anh có gợi ý : "Vậy tại sao em không thử đi công trường trước, sau này lại quay về làm tư vấn với kinh nghiệm thực tế của mình?“. Thế là tôi chọn nghề thi công, và thi công cơ sở vật chất hạ tầng, chứ không phải dân dụng.
Như chương trước tôi đã chia sẻ, tôi muốn làm về mảng công trình ngầm, đó là mảng tôi nghĩ sẽ cần cho Việt nam trong tương lai. Những khu vui chơi giải trí ngầm, những bãi đậu xe ngầm, tàu điện ngầm, hệ thống thoát nước ngầm sẽ là tương lai. Nói sơ 1 chút về cách phân chia ngành trong xây dựng ở Nhật. Họ chia làm 2 mảng lớn.
Thứ nhất, đó là các công trình cơ sở vật chất hạ tầng xã hội, ví dụ như cầu, đường, hầm, đê điều, nhà máy, xí nghiệp... sẽ được gọi chung là Doboku. Mảng còn lại, đó là các công trình về nhà cao tầng, nhà cửa dân dụng, thì gọi chung là Kenchiku.
Tiếp đến, chọn "Công ty lớn" hay "Công ty bé“. Khi đó tôi cũng đi xin tư vấn rất nhiều, từ những đàn anh rất giỏi nhưng đang làm công ty bé kiểu startup, cho đến người làm ở công ty lớn như Toyota. Anh ở công ty bé thì nói : "Vào công ty bé tuy điều kiện không được tốt, nhưng em sẽ có cơ hội được giao nhiều loại việc hơn, em sẽ được học đa dạng và tổng quát hơn, cũng dễ thăng tiến hơn. Trong khi ở công ty lớn em chỉ là 1 mắt xích nhỏ của nó thôi “. Còn anh làm bên công ty lớn lại nói : "Làm ở đây, bên cạnh em là rất nhiều người giỏi nên em có thể học hỏi được rất nhiều, môi trường làm việc rất chuyên nghiệp, chế độ tốt“. Vâng cả 2 anh đều nói đúng theo những cảm nhận của các anh ấy. Lúc đó tôi nghĩ :"Kể cả công ty lớn hay bé cũng có người phát triển được, cũng có người thất bại. Nói chung là case by case, mọi ý kiến chỉ là sự tham khảo “
Vậy là tôi quay lại chất vấn bản thân mình : "Hãy nhắm mắt vào, tĩnh lặng, suy nghĩ kỹ xem mày muốn gì, hãy viết ra và phân tích xem nào“. Tôi nghĩ : "Để đi 1 chặng đường dài, cần xây cho mình 1 nền móng tốt. Nếu vào được công ty lớn, công ty sẽ có nguồn lực để đào tạo cho mình. Xung quanh cũng toàn người giỏi nữa, tính mình lại hướng ngoại, ham học hỏi. Vậy thì chỉ có công ty lớn là phù hợp nhất. Sau khi học hỏi thật nhiều ở những công ty lớn rồi, mình chuyển sang công ty bé để thử thách, phát triển bản thân hơn, cũng như tìm con đường thăng tiến“.
Tôi từ thuở nhỏ, chứng kiến bố mình đi lên từ 2 bàn tay trắng, từ anh công nhân đi thoát li, làm đủ thứ nghề, cho đến khi lập được công ty, tôi rất ngưỡng mộ và luôn lấy đó làm hình tượng, động lực để phấn đấu. Tôi vẫn luôn ước mơ, 1 ngày nào đó lập được công ty của riêng mình, hoặc làm 1 vị trí lãnh đạo trong 1 công ty lớn nào đó. Ngoài bố tôi, 1 người nữa mà tôi rất thần tượng đó là chú Khoa, TGĐ kiêm CTHĐQT công ty Fecon, 1 trong những công ty nền móng hàng đầu ở Việt Nam.
Tôi cũng có lần được gặp trực tiếp, nói chuyện với chú tại Việt Nam, cảm nhận rất rõ power qua từng lời nói và thần thái chú ấy truyền lại. Qua Nhật rồi tôi vẫn thường xuyên mail để hỏi ý kiến chú. Sau khi dãi bày hết tâm tư định hướng của mình cho chú, chú Khoa cũng ủng hộ cách nghĩ của tôi : "Cháu hãy vào 1 tập đoàn lớn của nhật, cố gắng học thật nhiều kinh nghiệm, khi về Việt Nam cháu sẽ có nhiều hướng phát triển được“.
Việc tôi đến với công ty Tokyu cũng là 1 cơ duyên. Thời kỳ xin việc, tôi cũng xin tư vấn của 1 người chị đi trước của tôi tên Nhung. Tôi đã quen chị khi đi thi đại học Gifu nơi chị đang học ở đó, và được chị giúp đỡ rất nhiều. Tình cờ biết chị đang làm cho Tokyu, thế là tôi tìm hiểu sâu hơn về công ty và bằng nỗ lực tôi đã trúng tuyển.
Công ty xây dựng Tokyu là 1 tổng thầu lớn, thuộc top thứ 2 của nhật. Những công ty thuộc top 2 thường có quy mô doanh thu từ 2 〜 5 tỷ usd / năm. Các công ty này chỉ đứng sau các siêu tổng thầu, bao gồm 5 công ty lớn nhất đó là Taisei, Shimizu, Obayashi, Kajima, và Takenaka. Những siêu tổng thầu này thường có doanh thu từ 10 tỷ usd/năm trở lên.
Công ty xây dựng Tokyu là công ty lớn thứ 3 trong tập đoàn Tokyu, 1 tập đoàn có tổng doanh thu cỡ 25 tỷ usd / năm bao gồm 220 công ty con xoay quanh công ty mẹ, công ty hạt nhân là công ty đường sắt Tokyu - công ty đường sắt tư nhân lớn nhất ở Nhật. Nếu bạn nào ở nhật sẽ biết đến khu Shibuya, 1 khu trung tâm sầm uất bậc nhất tại nhật hiện nay. Những năm 1950 của thế kỷ trước, khu vực này hầu như chưa có gì, nhưng tập đoàn Tokyu đã xây dựng nó thành 1 khu đô thị trung tâm kiểu mẫu đáng sống nhất, để từ đó đi xây phát triển các khu đô thị khác. Hầu hết các tòa nhà cao tầng, công trình lớn ở Shibuya đều do công ty xây dựng Tokyu tôi thực hiện.
Tháng 4 năm 2016 tôi gia nhập công ty, ngoài tôi ra còn có 2 anh em người việt khác cũng là dân Đông Du sang Nhật trước tôi 4 năm từ 2008, cùng với 107 người nhật, tổng cộng là 110 người. Công ty Tokyu tôi có nhân sự khi đó trên dưới 2500 người, nhưng người nước ngoài toàn công ty chỉ có hơn chục bạn.
Sau hôm làm lễ gia nhập tại công ty, chúng tôi còn tham dự 1 buổi lễ gia nhập của tập đoàn. 1 buổi lễ có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên vì sự choáng ngợp. Có tới hơn 1500 bạn gia nhập tập đoàn, buổi lễ được tổ chức tại 1 nhà hát lớn ở Shibuya, rồi sau đó mọi người giao lưu tại 1 khách sạn 5 sao thuộc tập đoàn ở cảng Yokohama. Trong khoảng 1 tháng đầu chúng tôi được tập huấn cùng nhau tại trụ sở chính công ty trước khi được phân về từng bộ phận.
Chúng tôi được dạy những kĩ năng cơ bản trong công việc, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự phát triển bản thân, đặc biệt là kỹ năng đội nhóm. Thậm chí, chúng tôi còn được đưa đến khu nghỉ dưỡng của tập đoàn trên núi, được tham gia những thử thách trong rừng kiểu chương trình truyền hình thực tế để học về teamwork... Vì là công ty lớn nên họ rất chú trọng đào tạo con người. Mỗi năm sẽ có nhiều lần tập huấn để các bạn nâng cao trình độ và là dịp để rời xa công việc áp lực, lấy lại cân bằng.
Từ những khó khăn đến những bài học xương máu
Đầu tháng 5 năm 2016, sau kì nghỉ tuần lễ vàng tại Nhật, tôi được phân về 1 công trường tại Tokyo. Công trường này thi công dự án đào hầm TBM, xây dựng đường hầm thoát nước ngầm khổng lồ trong lòng Tokyo, thuộc chủ đầu tư là cục nước ngầm Tokyo. Công trường bao gồm giám đốc dự án, phó giám đốc dự án, 1 bác kỹ sư bên ngành điện, máy móc, 1 anh kỹ sư năm 5, cùng với tôi là 5 người quản lý. Giám đốc dự án sẽ ở trên cùng làm công việc quản lý, giám sát tổng thể bên dưới, và là người cuối cùng quyết định về tiền nong giá cả. Phó giám đốc dự án là người sẽ chịu trách nhiệm về toàn bộ công trình, làm giấy tờ đối tác với bên chủ đầu tư.
Các kĩ sư trẻ tụi tôi có nhiệm vụ vận hành công trường, ví dụ như làm việc với các nhà thầu phụ về cách thi công, lịch thi công, nhập xuất vật liệu máy móc, đo lường kỹ thuật để công nhân thi công và kiểm tra chất lượng. Bên dưới chúng tôi có khoảng 4, 5 nhà thầu phụ với khoảng hơn 20 nhân công. Anh kỹ sư năm 5 tên là Tanaka, anh ấy chính là người phụ trách dạy việc cho tôi, 1 người rất dễ gần và thích người nước ngoài. Anh cũng chính là người từng làm cùng chị Nhung mà tôi nhắc ở trên.
Công việc của bên tổng thầu chúng tôi, đó là ở trên giám sát nhà thầu phụ bên dưới thi công có an toàn và đúng theo kế hoạch hay không, và chúng tôi phải quản lý tiến độ, chất lượng thi công, rồi giá cả nữa. Trong ngành xây dựng nhật, họ đặc biệt coi trọng về an toàn lao động, chỉ cần 1 tai nạn lao động nhỏ thôi cũng bị điều tra kỹ, nếu là tai nạn lớn kiểu chết người thì công trình đó hoàn toàn có thể bị dừng lại.
Lịch trình làm việc 1 ngày... buổi sáng mọi người bắt đầu bằng việc tập thể dục và phổ biến công việc, an toàn lao động từ 8h sáng nên các kỹ sư thường có mặt tại văn phòng từ 7h hơn để chuẩn bị rồi. Sau đó từ 8h30 - 12h sẽ thi công buổi sáng, trong đó sẽ được phép nghỉ giải lao tầm 30p vào khoảng 10h30. Giờ nghỉ trưa sẽ từ 12h - 13h. Đầu giờ chiều bên tổng thầu tôi và các chỉ huy trưởng thầu phụ sẽ cùng họp, nghe báo cáo kết quả thi công buổi sáng, kế hoạch thi công buổi chiều có gì thay đổi không, và kế hoạch thi công ngày mai như thế nào. Sau đó mọi người lại tiếp tục thi công cho đến 17h, trong đó cũng được phép nghỉ giải lao 1 lần. Kỹ sư trẻ bọn tôi ban ngày thường ra công trường giám sát, quản lý, sau khi công trường xong việc thì về làm báo cáo, lập kế hoạch thi công các phần tiếp, và đủ các loại giấy tờ khác nên cũng rất là bận.
Hàng ngày tôi theo anh Tanaka như hình với bóng để lắng nghe, ghi chép học thuộc từng thứ 1, để hiểu về những gì đang thi công tại công trường, và cách vận hành quản lý nó ra sao. Ở nhật dù bạn có giỏi cỡ nào, thì năm đầu tiên bạn sẽ được dạy và phải làm từ những việc cơ bản nhỏ nhất, kể cả những việc lặt vặt trong văn phòng. Và kĩ sư năm 1 sẽ có 1 đặc quyền là được hỏi bất kỳ thứ gì, kể cả những câu hỏi ngớ ngẩn, nhưng từ những năm sau trở đi sẽ không được ưu tiên như vậy nữa. Cho nên bạn phải biết tận dụng điều đó trong năm đầu để học hỏi, nhớ việc thật nhiều.
Về ngôn ngữ, cho tới khi vào công ty, tôi đã học tiếng Nhật ở nhà 1 năm, ở nhật là 5 năm, tôi nghĩ tiếng Nhật của mình cũng ổn, chắc không đáng lo lắm đâu. Nhưng thực tế khi ra công trường có rất nhiều từ ngữ chuyên ngành tôi không biết. Rồi những lần đầu đứng trước mặt mấy chục công nhân người Nhật để nói chuyện, để chú ý an toàn lao động tôi đã rất run, có lúc run quá còn khựng lại không nói ra thành lời, tôi xấu hổ lắm. Để khắc phục tình trạng đó, từ những lần sau tôi viết những ý mình muốn nói ra 1 mẩu giấy nhỏ đem theo, nhỡ run quá mà quên thì nhìn vào đó để nói cho trôi chảy. Rồi chuyện những công nhân họ giao tiếp không phải bằng tiếng nhật chuẩn, mà họ dùng ngôn ngữ địa phương, rất khó nghe mà tôi cũng chưa nghe bao giờ nữa. Làm ở công trường vừa nắng mưa vất vả, vừa gặp đủ mọi khó khăn trong giao tiếp, đúng là vượt quá sức tưởng tượng của tôi.
Về công trường được khoảng 3 tháng thì công trường tôi tạm bị hoãn lại, do bên phía chủ đầu tư có những trục trặc về giấy tờ. Thế là tôi được chuyển sang 1 công trường khác, 1 công trường có quy mô lớn hơn rất nhiều. Công trường này cũng là công trình thi công hầm thoát nước khổng lồ nhưng lớn hơn, nằm ở độ sâu 40m trong lòng đất, thi công bằng công nghệ đào hầm TBM, và cũng thuộc chủ đầu tư là cục nước ngầm Tokyo. Mục đích của công trình là giải quyết bài toán thoát nước giảm thiểu ngập úng cho 1 quận ở Tokyo mỗi khi có mưa lớn. Đặc biệt, có những hạng mục thi công sử dụng những phương pháp hiện đại hàng đầu trong lĩnh vực, với quy mô chưa từng thực hiện trên thế giới. Rất nhiều các đoàn thăm quan từ trong và ngoài nước đã đến đây.
Bên tổng thầu chúng tôi gồm có giám đốc dự án, phó giám đốc dự án, trên tôi có 4 kĩ sư nữa, và tôi nữa là 7 người cùng quản lý. Trong đó có cậu tên Kusachi, hơn tôi 1 năm, phụ trách dạy việc cho tôi, nhưng lúc đó tôi không biết rằng cậu này chính là khắc tinh của mình . Về thầu phụ bên dưới có khoảng 6,7 nhà thầu với khoảng hơn 30 người, nhưng những lúc công trình bận có thể lên đến chục nhà thầu phụ với khoảng 60,70 người.
Sang công trường mới, tôi dặn mình nhất định cố gắng làm lại để không gặp nhiều khó khăn như trước nữa, nhưng thực tế lại không diễn ra được như vậy. Kusachi là 1 người có tính cách mạnh mẽ, quyết liệt nên thuộc tuýp người nóng tính. Cậu ấy còn trẻ và khi ấy mới 25 tuổi, kém tôi 2 tuổi. Trong khi tôi là người nước ngoài, lại mới vào còn gặp rất nhiều khó khăn về ngôn ngữ. Nhiều khi cậu ấy giao nhiệm vụ cho tôi, nhưng tôi làm chưa đạt yêu cầu, hoặc hiểu sai ý cậu ta, khiến cậu ta tức giận, và nhiều lần cậu ta đã buông những lời lẽ không hay với tôi. Văn hoá công ty ở Nhật là, cấp trên là cấp trên, không có kiêng nể tuổi tác. Có vấn đề gì thì cấp trên cứ gõ đầu, mắng chửi cấp dưới cận mình.
Rồi 1 điểm khó nữa là người Nhật họ hay nói kiểu ý này ý nọ, mập mờ, nói lòng vòng, nên rất khó hiểu. Nếu không tiếp xúc với người Nhật nhiều sẽ rất khó hiểu ý đồ của họ. Bị cấp trên mắng chửi đã mệt mỏi, ra công trường cũng không khá hơn. Vì là lính mới, kinh nghiệm còn quá non nên những lời tôi nói, nhiều khi công nhân họ không có nghe, có lúc còn quay ra trêu đùa, giễu cợt tôi. Tôi thấy mình như lạc vào 1 thế giới khác, mình như kẻ khác biệt với phần còn lại, đơn độc đáng thương.
Thời điểm đó tôi sống ở Saitama, cách công trình tầm khoảng 2h đi tàu nên tôi phải dậy từ rất sớm để đi làm cho kịp, thường tầm 5h hơn. Rồi buổi tối toàn những chuyến tàu cuối mới lên tàu về, về đến nhà cũng tầm 12h hơn, ăn uống tắm rửa cũng đã hơn 1h. Cùng thời điểm đó vợ tôi ốm nghén, đi làm mà tôi chỉ mong về sớm chăm vợ mà không được. Những đêm khuya về ôm vợ, thương vợ mà tôi như muốn khóc. Tôi ngày càng thấy lao lực vì thiếu ngủ và áp lực stress từ công việc, dẫn đến thiếu tập trung trong công việc, lỗi cũng mắc nhiều hơn, làm việc mất nhiều thời gian hơn.
Đỉnh điểm là 1 lần tôi lại làm cậu Kusachi rất tức giận. Lần này cậu ta đã không bình tĩnh và văng những lời sỉ nhục tôi, kiểu như mày đến Nhật làm gì, mày không xứng đáng nhận những đồng lương này... nói chung là miệt thị người nước ngoài. Trước những lời nói ấy tôi cay đắng thấy sốc và tức giận lắm, nhưng không hiểu sao tôi vẫn kìm nén lại được.
Thời gian đó bác phó giám đốc công trình cũng để ý đến mối quan hệ không tốt giữa tôi và Kusachi. Bác cũng gọi tôi ra nói chuyện riêng, lắng nghe tôi và khuyên tôi rất nhiều, bác cũng bảo : "Kusachi còn trẻ, lại nóng tính nên nhiều khi có những hành động, lời nói có thể không phải với An, nên An đừng để ý nhiều mà thêm suy nghĩ nha. Bác biết An là người nước ngoài gặp nhiều cái bất lợi, nếu bác cũng giống như An mà làm quản lý ở việt nam như vậy bác cũng chưa chắc tự tin có thể làm tốt ngay được đâu. Nhưng An đã rất cố gắng để đến được đây như ngày hôm nay, nên bác tin, nếu An cố gắng An sẽ làm được. Từ nay có chuyện gì chia sẻ được thì chia sẻ cho bác “.
Văn phòng tôi, ngoài cậu Kusachi đó ra mọi người đều rất tốt, đặc biệt là bác phó giám đốc. Nhưng tôi vẫn bị rơi vào tình trạng stress nặng, thấy buồn và tự ti về bản thân, luôn tự hỏi lại chính mình về giá trị của mình. Tôi đi làm mà như người mất hồn, trong đầu chỉ có 2 chữ "nghỉ "hay "không nghỉ "cứ văng vẳng vang lên. Như bao lần khác, dù đi làm có vất vả đến mấy, nhưng về đến nhà tôi vẫn ráng gượng cười để vợ tôi bớt suy nghĩ, vợ tôi thương tôi lắm. Nhưng lần này không chịu được nữa, tôi quyết định tâm sự với vợ, cũng kể chuyện tôi mệt mỏi muốn nghỉ rồi. Vợ tôi thương tôi, ôm lấy tôi, rồi nói : "vợ biết chứ, vợ biết chồng vất vả lắm cho dù chồng không nói ra, vợ cảm nhận được hết. Nếu thực sự không chịu được nữa, muốn nghỉ việc thì vợ vẫn luôn ở đây hậu phương cho chồng, theo chồng đi bất cứ đâu. Nhưng chồng thử nghĩ xem, khó khăn lần này chồng mà không vượt qua được. Vợ thấy chồng đi công ty khác có thể nó sẽ lặp lại, rồi lại phải bắt đầu ở chỗ mới từ đầu, có phải tốn bao nhiêu công sức mình phấn đấu không. Hay là vợ chồng mình chuyển nhà đến gần công trường đi...”.
Câu nói : "đằng sau 1 người đàn ông thành công, là sự góp phần của người phụ nữ bên cạnh "tôi thấy thực sự đúng, không những là người vợ, mà cô ấy còn là người bạn tri kỉ của tôi. Nhiều cái cô ấy hiểu tôi hơn cả bản thân tôi. Nên tôi có thể chia sẻ bất cứ chuyện gì với cô ấy. Cứ những lúc khó khăn như thế, tôi lại nhận được những lời động viên và những câu nói khiến tôi phải suy nghĩ, cố gắng và thay đổi nó thành tốt đẹp hơn.
Sau tối hôm đó, tôi lại cảm thấy bình tĩnh dần dần trở lại, tôi bắt đầu đi tìm nguyên nhân dẫn đến những thất bại của mình hiện tại. Tôi loại bỏ suy nghĩ nghỉ việc ra khỏi đầu, tôi sẽ lấy gia đình là động lực để mình vượt qua tất cả, tôi cám ơn vợ tôi lắm...
Việc đầu tiên tôi làm, đó là chuyển nhà đến gần công trường. Tiếp theo tôi đem giấy bút ra, suy nghĩ viết hết ra những thất bại mình đã gặp phải, nguyên nhân tại sao, lần tới gặp trường hợp tương tự như vậy tôi cần phải hành động như thế nào. Rồi ra công trường, tuy không hút thuốc lá nhưng tôi vẫn thường mua nước đến trò chuyện với mọi người. Tôi cởi mở hơn, tích cực nói chuyện để hỏi han về công việc. Mọi người xung quanh cũng nhìn nhận được sự cố gắng của tôi nên cũng dần quý tôi hơn, sẵn sàng chỉ bảo cho tôi nhiều thứ. Vợ tôi cũng là người biết suy nghĩ, lại nấu ăn ngon, nên thi thoảng làm đồ ăn, hoặc bánh để tôi mang đến văn phòng cho mọi người cùng ăn. Nên mọi người càng cảm động, đến mức cô ý còn nhớ cả ngày sinh của ông chủ công trình, và làm bánh tặng ông ý, khiến ai cũng bất ngờ....
Ra công trường tôi thấy quan trọng nhất là chuyện giao tiếp. Khi bạn bị ghét thì bạn có nói gì mọi người xung quanh cũng sẽ không nghe, hoặc nghe 1 cách miễn cưỡng. Nhưng chỉ cần có mối quan hệ tốt, bạn không cần nói nhiều, mọi người sẽ hợp tác giúp công việc tiến triển thuận lợi hơn. Tiếp đến, thay vì đợi cấp trên ra lệnh, tôi cố gắng chủ động quan sát, suy nghĩ những lúc có thể, từ đó đưa ra những chính kiến, sáng kiến của mình trong công việc.
Rồi sau đó mối quan hệ giữa tôi và cậu Kusachi cũng được cải thiện hơn. Làm cùng với nhau gần 2 năm thì cậu ta và những anh ở trên chuyển đi chỗ khác, lần này tôi trở thành người đứng thứ 3 công trường, và bên dưới tôi còn 2 bạn kĩ sư trẻ nữa. Đây chính là cơ hội tôi thể hiện năng lực của mình. Tôi cố gắng thay mặt giám đốc và phó giám đốc đứng ra chịu trách nhiệm cho sự vận hành của công trường. Tôi dạy những đàn em đi sau 1 cách ân cần, luôn nghĩ đến những gì mình đã gặp khó khăn lúc đầu, và những gì mà tôi đã nhận được từ người đi trước. Tôi học cách lập kế hoạch từ sớm cho những việc mình cần làm, chia nhỏ nó ra. Mỗi ngày khi lên tàu đi làm tôi định hình trong đầu hôm nay mục tiêu của mình là gì, phải hành động như thế nào. Mỗi ngày 1 mục tiêu nhỏ, dần dần sẽ cho ra kết quả lớn. Tôi muốn cho người Nhật thấy tôi cũng làm việc không thua kém gì họ…
Văn hóa công ty Nhật
Làm đến năm thứ 4 tôi nhận thấy môi trường làm việc của công ty tôi như sau.
Văn hoá minh bạch
Mọi thứ đều rõ ràng từ kĩ thuật, chất lượng sản phẩm đến tiền nong. Mọi thứ đều có báo cáo, giấy tờ rất chặt chẽ.
Rất coi trọng chữ "tín"
Khi bạn được 1 ai đó nhờ việc gì dù rất nhỏ, bạn nói sẽ làm nhưng lại quên thì sẽ rất mất lòng tin và bị ghét. Người nhật họ sẽ không nói thẳng ra cho bạn biết mà họ sẽ thể hiện bằng hành động như không nhờ đến bạn nữa, hoặc dần dần xa lánh bạn. Nếu không làm được thì bảo ngay từ đầu là không làm được, hoặc chí ít cũng thể hiện bạn đã cố gắng làm rồi mà không được. Là con người thường hay rất dễ quên, nên tốt nhất bạn hãy tạo thói quen ghi lại, và sắp xếp thứ tự ưu tiên của những việc cần làm.
Coi trọng thời gian
Người nhật rất coi trọng thời gian, nên mọi người luôn cố gắng tuân thủ deadline.
Tinh thần tập thể chung
tinh thần làm việc của mọi người luôn vì tập thể chung, hay đứng trên lập trường của đối phương để suy nghĩ hành động. Ít có sự đố kị hại lẫn nhau, nên chỉ cần hết lòng vì công việc sẽ phát triển được bản thân nhiều. Tuy nhiên, khi họ nghĩ cho mình mà mình không hiểu ý, rất dễ bị ghét. Nói chung xã hội nhật họ sống theo kiểu xã giao nên khó biết chính xác họ nghĩ như thế nào.
Tuân thủ nguyên tắc đến mức quá độ
Có những sự việc nếu là người việt nam sẽ suy nghĩ, xử lý linh động hơn, thì người nhật sống chết bảo vệ nguyên tắc đó, đúng kiểu "nguyên tắc là nguyên tắc". Nhưng tôi nghĩ việc mọi người tuân thủ nguyên tắc cũng giúp cho bộ máy hoạt động trơn tru và đỡ rắc rối hơn. Nếu case by case mà xử lý linh động hơn chút thì tuyệt vời. Tôi nhớ có lần tôi lập kế hoạch thi công, cũng sát lịch rồi, muốn phó giám đốc và giám đốc thông qua sớm mà họ không chịu. Vì nguyên tắc là tất cả mọi người trong văn phòng phải đọc và thông qua, nên phải chuyển bản thi công đó xuống người có vị trí thấp nhất.
Hướng đào tạo toàn diện
Ở công ty nhật hầu hết mọi việc cơ bản sẽ được xoay vòng cho mọi người làm. Sau nhiều năm được đào tạo cơ bản, bạn mới được đào tạo chuyên sâu.
Văn hoá làm thêm giờ quá nhiều
Có thể nói kiểu như quên bản thân, gia đình. Ví dụ như ông phó giám đốc công trình tôi, tuy có gia đình nhưng ông ý chỉ về nhà vào thứ 7, còn cả tuần ăn ngủ tại văn phòng. Mấy kĩ sư trẻ bọn tôi cũng hay ngủ lại luôn, phần vì khối lượng công việc quá nhiều, phần vì nhiều người cũng độc thân nên họ cũng chả muốn về nhà nữa. Tôi nhớ có lần trước dịp thanh tra công trình, cần phải làm sổ sách, giấy tờ quản lý rất nhiều. Lần đó tôi còn làm hơn 2 ngày thông luôn mà không hề chợp mắt để hoàn thành. Đây có lẽ là căn bệnh trầm kha của nước nhật, đã có rất nhiều vụ tự sát vì làm việc quá sức ở nhật. Trước những vụ việc đau thương này, luật pháp ngày càng thắt chặt hơn.
Các công ty phải tìm đủ mọi cách để giảm giờ làm thêm, để có thể trở về nhà sớm sau giờ làm việc. Ở công ty tôi, cũng có những động thái để cải thiện vấn đề này. Họ mở những lớp đào tạo, huấn luyện để nhân viên làm việc hiệu quả hơn với ít thời gian hơn. Đến thời điểm này tôi cũng thấy có thay đổi tích cực.
Những cảm nhận của tôi ở trên xét cho cùng chỉ là tôi thấy ở công ty mình, không hoàn toàn đúng cho những công ty khác. Nhưng tôi tin đa số sẽ có những điểm chung như vậy.
Mục tiêu, định hướng cho tương lai
Lý do tôi còn muốn ở lại Nhật
Đầu tiên có thể kể đến là vì vợ con tôi. Ở Nhật thứ tôi thích nhất đó là thực phẩm sạch, ăn uống không bao giờ phải nghĩ ngợi. Tiếp đến là chế độ phúc lợi, giáo dục thì rất tốt. Cuối cùng là vể sự nghiệp. Hiện tôi đã biết cách vận hành 1 công trình hoạt động, nhưng chưa hiểu sâu về giá cả, đơn giá để biết công trường đang hoạt động lỗ hay lãi, rồi phải đối tác với bên chủ đầu tư như thế nào. Tôi đang theo đuổi ngành đào hầm đô thị nên cũng muốn làm thêm vài công trình nữa để học hỏi thêm. Sau đó muốn xin chuyển sang bộ phận quốc tế, rồi xin chuyển về việt nam làm nếu có dự án. Công ty tôi cũng làm vài dự án ở Việt Nam như cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, đường vành đai 3 kéo dài ở Hà Nội...
Lý do khiến tôi muốn trở về
Cuộc sống ở nhật tôi nghĩ chắc phải 70 đến 80% là dành cho công việc và công việc, được lập trình như 1 con robot vậy. Đến ngày cuối tuần thì ở nhà tranh thủ ngủ nghỉ hoặc cùng vợ con đi mua sắm tí là hết ngày. Nói chung khá nhàm chán, không nhiều màu sắc, không thú vị là mấy. Tôi rất thèm những điều thú vị khác trong cuộc sống, thèm được gần gũi nhiều bạn bè, người thân. Mỗi lần nhìn mọi người ở quê nhà tụ tập ăn uống, đi chơi, nhiều lúc thấy tủi thân, ghen tị lắm.
Về thu nhập, ở Nhật thu nhập càng cao thì tiền thuế càng cao ngất ngưởng. Mọi thứ từ thuế thu nhập cá nhân đến tiền học phí con cái đều dựa vào tổng thu nhập của bố mẹ vào năm trước đó, cộng với chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở Tokyo nữa, nên việc tiết kiệm cũng không hề đơn giản. Nếu chỉ muốn ổn định thì ở nhật cũng tốt, nhưng muốn làm giàu thì khó.
Vậy hướng đi tốt nhất của tôi là gì? Liệu tôi nên Ở hay Về đây......
Tôi rất mong được nghe lời khuyên từ các bạn!
Cũng bôn ba xứ người gần chục năm, trải qua nhiều sóng gió thử thách, tôi tâm đắc vài điều sau và cũng muốn truyền tải đến những bạn nào cần đến nó
Dành cho các bạn sinh viên trẻ
Con đường du học Nhật không trải hoa hồng, nhưng nó là cơ hội để đưa bạn đến những nơi bạn không tưởng nếu bạn biết nắm lấy. Có 1 con đường như vậy mà tôi đã và đang bước đi trên đó, hi vọng nó sẽ là 1 sự tham khảo tốt.
Dành cho các kỹ sư trẻ muốn đi Nhật
Thứ quan trọng nhất giúp các bạn có thể phát triển và sống tốt ở nước Nhật không phải là chuyên ngành hay kiến thức các bạn đang có, mà đó chính là ngôn ngữ. Vì qua đây các bạn sẽ được đào tạo lại. Chỉ có giỏi ngôn ngữ bạn mới học tập và tiếp thu tốt kiến thức được. Nếu bạn không làm tốt được điều đó thì cũng không thể trách là sang đây toàn bị bắt làm việc chân tay. Nếu bạn làm được việc thì không 1 người Nhật nào dám coi thường và ghét bỏ bạn cả. Ở đâu cũng có người tốt, người không tốt.
Cách suy nghĩ quyết định hành động
Tôi đã từng không biết bao nhiêu lần gặp khó khăn, rơi vào tình trạng chán nản. Thay vì than phiền dằn vặt bản thân, tôi luôn tìm cách suy nghĩ lạc quan, hoặc chia sẻ với ai đó để lấy lại bình tĩnh. Khi bình tĩnh lại rồi, tôi đi ngay vào việc phân tích thất bại và tìm hướng giải quyết.
Hành động sẽ cho kết quả
Tôi chắc chắn 1 điều là so với 1 người chỉ ngồi suy nghĩ thì 1 người thường xuyên hành động sẽ cho ra nhiều kết quả, có điều là kết quả tốt hay xấu thôi. Cho dù là kết quả xấu, nhưng đó sẽ là tiền đề để có kết quả tốt. Không khó để tìm những lời khuyên, bài học hay, nhưng vấn đề là bạn có bắt tay vào làm hay không thôi.
Luôn mang 1 mục tiêu mỗi ngày
Hãy tìm cho mình 1 mục tiêu lớn, sau đó chia nhỏ, thật nhỏ nó ra. Chỉ cần mỗi ngày bạn ra khỏi nhà với 1 mục tiêu nhỏ và hoàn thành nó khi bạn trở về. Đến lúc nào đó bạn sẽ không ngờ được với những kết quả mình nhận được...
Gia đình là thứ quan trọng nhất
Đúng vậy dù có chuyện gì xảy ra bạn hãy bảo vệ gia đình mình, vì gia đình mà cố gắng. Bạn có thể làm đủ trăm công nghìn việc, nhưng chỉ có 1 gia đình để bảo vệ vun đắp mà thôi.
Thôi có lẽ tôi xin dừng bút tại đây để kết thúc tự truyện hành trình gần 10 năm 1 chặng đường của tôi, sẽ còn nhiều khó khăn khác nữa, nhưng tôi chỉ cần gia đình, bạn bè, những người yêu thương chúng tôi ủng hộ, luôn bên cạnh thì sẽ vượt qua được những khó khăn đó. Và mong ông trời luôn cho cả nhà tôi 1 sức khoẻ để vững bước trên đường đời. Tôi hi vọng 10 năm sau, tôi lại có những câu chuyện thú vị mới để viết như bây giờ.
Tôi đã viết quá dài nên rất cám ơn và trân trọng những bạn nào đã đọc đến những dòng cuối này.
Xin cám ơn vì tất cả !
Tác giả: Vũ Mạnh An - BQT Group Vùng kín kỹ sư
Mời các bạn đọc tiếp Seri
Con đường trở thành một kỹ sư tại Nhật bản (Phần 1)
Con đường trở thành một kỹ sư tại Nhật bản (Phần 2)
Con đường trở thành một kỹ sư tại Nhật bản (Phần 3)
Con đường trở thành một kỹ sư tại Nhật bản (Phần 4)
Con đường trở thành một kỹ sư tại Nhật bản (Phần 5)
Con đường trở thành một kỹ sư tại Nhật bản (Phần 6)