Công việc của Chỉ huy trưởng công trình là gì?
Chỉ huy trưởng công trình (Site Manager) là người chịu trách nhiệm cao nhất về chất lượng, khối lượng, an toàn, tiến độ công trình xây dựng. Chỉ huy trưởng công trình có vai trò rất quan trọng trong việc giám sát, thực thi các giải pháp thi công tại hiện trường. Nhu cầu tuyển dụng Chỉ huy trưởng công trình tại các công ty xây dựng là rất lớn. Vậy công việc của Chỉ huy trưởng công trình là gì? Làm sao để trở thành Chỉ huy trưởng công trình?. Trong bài viết này Tuyển dụng kỹ sư sẽ cùng bạn giải đáp câu hỏi Công việc của Chỉ huy trưởng công trình là gì?. Mời các bạn cùng theo dõi nhé!
Công việc của Chỉ huy trưởng công trình là gì?

Chỉ huy trưởng công trình chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của toàn bộ công trình xây dựng, đảm bảo chúng được hoàn thành đúng tiến độ. Dưới quyền Chỉ huy trưởng là đội ngũ Cán bộ kỹ thuật và các tổ đội thi công tại công trường. Với các công trình lớn, phía trên Chỉ huy trưởng công trình còn có Giám đốc dự án. Lúc này, Chỉ huy trưởng sẽ đảm nhiệm việc gửi báo cáo tiến độ công trình cho Giám đốc dự án. Người Chỉ huy trưởng công trình sẽ làm việc với Ban quản lý dự án, Tư vấn giám sát, chính quyền địa phương, Nhà thầu phụ, ....
Công việc của một Chỉ huy trưởng công trình xây dựng có thể mô tả như sau:
- Nắm vững các công việc và điều khoản thực thi theo hợp đồng. Nắm vững thiết kế và yêu cầu kỹ thuật của dự án đã được phê duyệt. Từ đó đề xuất điều chỉnh thiết kế một cách hợp lý nếu có sai sót.
- Khảo sát mặt bằng dự án trước khi thi công. Lập kế hoạch công tác chuẩn bị bao gồm xin giấy phép xây dựng, mua sắm trang thiết bị văn phòng, đồ bảo hộ lao động. Thi công hệ thống điện, nước, thông tin để phục vụ khởi công dự án.
- Lập kế hoạch về nhu cầu máy móc, thiết bị, nhân lực phục vụ cho công trình trước khi thi công.
- Lập kế hoạch và kiểm soát tiến độ thi công định kỳ (theo tuần, tháng…) bao gồm cả tiến độ của nhà thầu phụ. Lập báo cáo tiến độ thi công để báo cáo lên cấp trên và các đơn vị có liên quan.
- Tổ chức, sắp xếp và điều hành công việc cho đội ngũ nhân sự, các tổ đội tại công trường hợp lý, đảm bảo yêu cầu về tiến độ thi công của công trình.
- Kiểm soát và thống kê khối lượng, chủng loại vật tư sử dụng cho công trình theo tiến độ thi công. Gửi báo cáo về bộ phận vật tư để nhập cho công trình.
- Trực tiếp nghiệm thu khối lượng, chất lượng vật liệu đầu vào. Kiểm soát công tác nhập và xuất kho vật tư trong quá trình thi công. Kiểm soát việc sử dụng đúng chủng loại vật tư theo thiết kế đã được phê duyệt.
- Chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo kỹ thuật thi công tại công trường. Chỉ đạo các bộ phận tại công trường thi công theo đúng hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt. Chịu trách nhiệm đảm bảo về kỹ thuật, chất lượng công trình trong quá trình thi công.
- Giám sát công việc của Nhà thầu phụ và chịu hoàn toàn trách nhiệm khi không giám sát để xảy ra sai sót trong thi công.
- Kiểm tra công tác bảo quản vật tư, thiết bị thi công trên công trình. Kiểm tra công tác đảm bảo an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường tại công trình.
- Đại diện cho công ty giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thi công tại hiện trường. Tổ chức họp với các bộ phận chuyên môn để tìm phương án xử lý khi có sự cố phát sinh trên công trường.
- Đảm bảo công tác phối hợp với Chủ đầu tư, Tư vấn giám sát, Nhà thầu phụ, nội bộ công ty và các phòng ban có liên quan. Quan hệ tốt với chính quyền và nhân dân địa phương trong quá trình làm việc tại công trường.
- Báo cáo Giám đốc dự án (nếu có), cấp trên ở công ty tiến độ thi công ở công trường theo định kỳ. Báo cáo lên cấp trên các công việc phát sinh kịp thời và đảm bảo tính chính xác.
- Triển khai công tác lập hồ sơ hoàn công để nghiệm thu và bàn giao công trình.
- Lưu giữ tài liệu và bảo mật hồ sơ của công trình thi công.
- Đánh giá kết quả làm việc của nhân viên và báo cáo theo đúng quy định. Ủy quyền cho cán bộ khác khi vắng mặt. Sau khi dự án hoàn thành phải đánh giá hiệu quả và rút kinh nghiệm cho các công trình sau.
Làm sao để trở thành Chỉ huy trưởng công trình?

Anh em kỹ sư muốn đảm nhiệm vị trí Chỉ huy trưởng công trình thì phải có chứng chỉ hành nghề Chỉ huy trưởng. Chứng chỉ hành nghề Chỉ huy trưởng được chia thành 3 hạng như sau:
- Hạng 1: Có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hạng I . Đã làm chỉ huy trưởng công trường thi công xây dựng ít nhất 1 công trình cấp I hoặc 2 công trình cấp II cùng loại.
- Hạng 2: Có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hạng II. Đã làm chỉ huy trưởng công trường thi công xây dựng ít nhất 1 công trình cấp II hoặc 2 công trình cấp III cùng loại.
- Hạng 3: Có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hạng III. Đã trực tiếp tham gia thi công xây dựng ít nhất 1 công trình cấp III hoặc 2 công trình cấp IV cùng loại.
Tương ứng với 3 hạng trên, người Chỉ huy trưởng công trình sẽ được hoạt động trong các công trình:
- Hạng 1: Được làm Chỉ huy trưởng tất cả các công trình cùng loại với công trình được ghi trong chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng. Hoặc cùng loại với công trình đã làm chỉ huy trưởng.
- Hạng 2: Được làm Chỉ huy trưởng với công trình từ cấp II trở xuống cùng loại với công trình được ghi trong chứng chỉ hành nghề giám sát. Hoặc cùng loại với công trình đã làm chỉ huy trưởng.
- Hạng 3: Được làm Chỉ huy trưởng công trường với công trình cấp III, cấp IV cùng loại với công trình được ghi trong chứng chỉ hành nghề giám sát. Hoặc cùng loại với công trình đã tham gia thi công xây dựng.
Trên đây là những chia sẻ của Tuyển dụng kỹ sư về chủ đề Công việc của Chỉ huy trưởng công trình là gì?. Hy vọng rằng bài viết sẽ giúp các bạn có những định hướng nghề nghiệp đúng đắn trong tương lai. Nếu bạn đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm Chỉ huy trưởng công trình bạn có thể tham khảo các công việc mới nhất trên website Tuyển dụng kỹ sư.