Thi thoảng tiếng bơm ngừng lại để chờ xe bê tông chưa kịp đến. Anh em vội vàng bẻ chia nhau những chiếc bánh mì nguội ngắt trong lúc chờ mẻ bê tông tiếp theo. Vội vã kê vài tấm cốp pha, ngả tạm lưng vài phút. Có lẽ cuộc đời của những thằng kỹ sư nằm ngủ trên ván phin có khi còn nhiều hơn nằm trên giường cưới. Tranh thủ nghỉ ngơi vài phút, mình xin chia sẻ cùng các bạn một vài suy nghĩ của bản thân trên con đường trở thành kỹ sư xây dựng.
Hồi xưa khi chọn trường đại học thực ra cũng chưa hiểu lắm về nghề nghiệp sau này của mình. Hồi ấy internet mới phát triển, tìm trên google cũng ít thông tin về các trường đại học. Ngày ấy mình chỉ nhớ có 1 nhóm anh chị sinh viên về trường để tư vấn tuyển sinh. Mình cũng nghe nói là trường Xây dựng điểm đầu vào cao, ra trường dễ xin việc, dân xây dựng rất “chất”,nam tính. Thế là nộp đơn thôi.
Khoa công trình trường đại học Xây dựng năm ấy điểm đầu vào 25, cũng khá cao. Kể ra hồi ấy có lẽ đầu vào Xây dựng phải thuộc top đầu cùng với Bách Khoa, các trường Kinh tế vẫn xếp sau. Cả khoa công trình 300 người thì vẻn vẹn có 6 đứa con gái, chất “đàn ông” quá nhiều. Đám sinh viên mới vào trường hay được nghe câu "Trai xây dựng như chim anh vũ ". Đại khái tương lai ra trường sẽ sáng lạn, rất oách. Chả có ai, kể cả giảng viên, nói về sự khắc nghiệt của nghề. Ngẫm lại âu cũng là sự thẩm du tinh thần hơi quá.
Đúng là cuộc đời có lúc “lên voi xuống chó”. Những năm gần đây, khoa công trình tuyển sinh tăng tới 1500/ khoá, gấp 5 lần thời xưa. Chưa kể các trường khác cũng đua nhau đào tạo kỹ sư xây dựng. Trong khi ngành xây dựng đang gặp khó khăn còn các ngành kinh tế, công nghệ thông tin lại lên ngôi. Tất yếu là điểm đầu vào sẽ bị hạ thấp. Kỹ sư xây dựng ra trường nhiều như lợn con, tuyển dễ hơn tuyển thợ điện. Niềm tự hào về một cái gì đó bay biến đi đâu mất.
Ngày mới ra trường, mình lựa chọn đi thi công chứ không ngồi văn phòng làm thiết kế. Điều kiện làm việc công trường thì luôn khắc nghiệt và vất vả. Nắng, bụi, mưa, gió, rét buốt. Anh em kỹ sư, công nhân lúc nào cũng đối đầu trực tiếp với thiên nhiên. Điều kiện sinh hoạt công trường thiếu đủ thứ, lắm lúc cần một cái WC tử tế cũng khó. Mấy chị em gái ra công trường có khi phải nhịn tiểu cả ngày.
Ngẫm lại thì chỉ có sự vô tư của tuổi trẻ, sức khỏe của thanh niên, sự tò mò đam mê khám phá bí mật nghề nghiệp, mới có thể vượt qua mọi thứ. Để rồi có những ngày làm việc 12-14 tiếng và đêm trực bê tông. Ngoài ra là sự vô tư, thân thiết, tình cảm giữa các anh em đồng nghiệp cùng làm.
Khám phá, tìm hiểu về kỹ thuật thì rất vui vẻ, thích thú. Nhưng khi biết nhiều hơn về tài chính, tiền bạc, thì mọi thứ không còn màu hồng nữa. Thời làm nghề dễ dãi, giá cao, đã qua lâu lắm rồi. Yêu cầu khách hàng ngày càng khắt khe, khó tính. Giá bị ép ngày càng rẻ mạt. Đấy là chưa kể đến nợ xấu, nghề này bạc nhất vì hay bị quỵt nợ. Đi làm thì bỏ tiền ra ứng trước để làm cho nhanh. Làm xong, Chủ đầu tư nghiệm thu rồi thì mãi không chịu trả tiền, với đủ mọi lý do mà nhiều nhất là đống hồ sơ lằng nhằng. Đừng tưởng họ không có tiền. Ông lớn vừa báo lãi vài trăm tỷ, chia cổ tức cao ngất, cũng quỵt tiền. Khoản nợ có thể kéo dài vài ba năm hay hàng chục năm cũng có.
Những năm gần đây, các ông lớn ngành xây dựng từ Nam tiến ra Bắc chiếm thị trường. Mình thấy rất vui vì họ làm việc văn minh, không chấp nhận Tư vấn giám sát vòi vĩnh, không chấp nhận những Chủ đầu tư nợ tiền. Những mong các anh vững vàng kiên định lập trường để tạo nét văn hóa mới, thay đổi hình ảnh của nghề xây dựng trong xã hội.
Đấy là đôi điều suy ngẫm mà bản thân mình đúc rút ra sau gần 10 năm làm nghề. Những chia sẻ của mình là góc nhìn của cá nhân, có thể hơi phiến diện, mong các bạn thông cảm. Thú thực nếu bây giờ có người hỏi mình “Sau này mày có cho con theo nghề xây dựng không?”. Câu trả lời của mình sẽ là "Tao dứt khoát không cho con cái đi vào cái nghiệp xây dựng này. Bạc quá!"
Cảm ơn anh em đã đọc bài viết! Chúc anh em thành công!