Không ít anh em kỹ sư đã hoặc đang rơi vào cảnh nợ lương khi đi làm ở các công ty xây dựng. Dù vấn đề nợ lương có thể xuất hiện ở nhiều ngành nghề, không chỉ riêng ngành xây dựng mới hay nợ lương. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ công ty bạn đã xử lý khủng hoảng này như thế nào, có xứng đáng để anh em ở lại hay không. Bản thân mình cũng đã từng phải đi xe ôm kiếm thêm khi công ty nhà nước nợ lương mà chẳng làm gì được họ. Đến khi bản thân ra ngoài mở công ty riêng cũng có lúc khó khăn phải nợ lương anh em. Mình đã trải qua cả 2 vai trò: người lao động bị nợ lương và người chủ nợ lương. Theo quan điểm cá nhân mình thì chỉ khác nhau ở cách xử lý của người lãnh đạo mà thôi.
Trong bài viết này, mình xin chia sẻ anh em kỹ sư về dấu hiệu nhận biết nguy cơ có thể bị nợ lương, cách ứng phó.
Nếu bạn đang làm công trình nguồn vốn ngân sách Nhà nước thì nên tìm cách xem kế hoạch tài chính của dự án. Những thông tin này anh em kỹ sư có thể tiếp cận được bởi vì kế hoạch giải ngân công trình vốn Nhà nước thường đúng kỳ hạn. Nếu công ty làm đa chức năng hay nhiều công trình cùng lúc, thì nguy cơ là hiện hữu, khi chỉ có một kỳ thanh toán nhưng có nhiều kỳ thanh toán lương.
Nếu bạn đang làm công trình nguồn vốn tư nhân, hãy tìm hiểu kỹ đối tác, xem nguy cơ chậm thanh toán có hay không. Đơn giản nhất là bạn tìm hiểu trên Google, sau đó có thể qua các đối tác cùng làm công trình. Các công trình nhà dân nhỏ thì dễ hơn cả, có thể tìm hiểu qua là biết, không đáng lo ngại như các loại dự án trên, ít nguy cơ lừa lọc nhau. Nếu bạn đang làm B’ thì cũng có nguy cơ nợ lương do đối tác chầy cối trong thanh toán, hạnh hoẹ thủ tục đủ kiểu để kéo dài thời gian trả nợ mình.
Tất nhiên là mỗi công ty có một đặc thù riêng, có thể chỉ nợ lương 5 hay 10 ngày, có trường hợp nợ 3-6 tháng thậm chí là 1 năm. Nhưng tất cả đều có những dấu hiệu để anh em có thể nhận biết mình có đang đối diện với khủng hoảng nợ lương hay không,
Tip nhỏ đầu tiên cho anh em là trong cuộc phỏng vấn đầu vào. Bạn có thể tra cứu các kênh thông tin thông thường, các diễn đàn, group về xây dựng. Sau đó bạn dùng cảm nhận cá nhân, quan sát tỉ mỉ nhân sự có sẵn của công ty đó, nhất là hành vi người phỏng vấn. Theo kinh nghiệm cá nhân mình, các công ty ngon đa phần thái độ người phỏng vấn sẽ hơi khó chịu chút. Ngược lại thì thường họ sẽ khôn khéo hơn. Tất nhiên là không thể đúng hết trong mọi tình huống nhé.
Tip nhỏ thứ hai cho anh em: đặt ra giới hạn chịu đựng của bản thân. Bản thân bạn, gia đình bạn có thể đảm bảo cuộc sống trong thời gian bao lâu nếu bạn bị nợ lương. Trong thời gian bị nợ lương, bạn nên tự tìm giải pháp trước. Bạn nên năng động tìm thêm việc gì đó làm để sống đã. Khi đã xác định đi quá giới hạn chịu đựng của bản thân, đang bơ vơ giữa công trình hay thành phố thì bạn nên chuyển việc.
Tip nhỏ thứ ba cho anh em: tiếp cận các anh chị em kế toán bằng cách nào đó. Để bạn biết tình trạng nợ lương kéo dài bao lâu, có giải pháp không, hay sống chung với lũ lâu dài còn biết.
Tip nhỏ thứ tư cho anh em: xem cách giải quyết khủng hoảng của lãnh đạo. Đó có phải người lãnh đạo tử tế, tài năng, gặp khó khăn chỉ là nhất thời không. Nếu có, bạn có thể ở lại giúp họ qua giai đoạn khó khăn. Nếu không, bạn đi sớm lúc nào hay lúc đó, nhưng phải lịch sự, biết đâu sau này có ngày làm đối tác.
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của mình thôi, cũng không có nhiều kinh nghiệm đâu. Rất mong anh em kỹ sư cùng chia sẻ, góp ý để các anh em khác còn biết mà tránh. Quan trọng là anh em biết về các công ty nợ lương mà né từ lúc phỏng vấn hay gửi CV.
Cảm ơn anh em đã đọc bài viết! Chúc anh em thành công!
Tác giả: Mr. Việt Bùi - Group Vùng kín kỹ sư