Nhiều người thường có cái nhìn định kiến về việc làm trái ngành vì cảm thấy điều đó không xứng đáng với công sức đã bỏ ra sau 4-5 năm học đại học. Thậm chí, người làm trái ngành còn được cho là “không thể tiến xa” vì thiếu bằng cấp và nền tảng kiến thức. Vậy nếu bạn đang phân vân “làm trái ngành đúng hay sai?” thì hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Trong vài năm gần đây, cả nước có hơn 400 trường Đại học, Cao đẳng với khoảng 2,2 triệu sinh viên trong tổng số 96 triệu dân. Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, có đến 70% trong tổng số sinh viên cả nước ra trường làm trái ngành. Có đến 75% số sinh viên thiếu hiểu biết về ngành, nghề mà họ đã lựa chọn. Điều đó dẫn đến thực trạng sau khi tốt nghiệp là chỉ có 50% số cử nhân tìm được việc làm phù hợp với bản thân. Như vậy làm trái ngành là thực trạng chung của xã hội chứ không phải của riêng bạn.
Thực tế là không phải ai cũng sẽ biết được mình phù hợp và đam mê điều gì vào năm 18 tuổi. Đứng trước ngưỡng cửa đại học, nhiều bạn trẻ đang tuổi ăn tuổi chơi mới bắt đầu lúng túng đi tìm hiểu ngành nghề để đăng ký nguyện vọng. Google search, nghe theo bố mẹ, lời khuyên từ anh chị đi trước là những cách mà chúng ta thường áp dụng để tìm ra thứ được cho là “phù hợp”. Song cách định hướng ấy liệu có phải là đúng khi không dựa trên đam mê, khả năng của cá nhân và sự tiếp xúc trực tiếp với chính công việc đó?
Chỉ đến khi thực sự có cơ hội tiếp cận với những môn học chuyên môn ở đại học, sự khắc nghiệt của ngành nghề ấy, ta mới nhận ra rằng mình đã lựa chọn sai. Có những người dám rẽ sang hướng khác để bước tiếp với đam mê của mình. Nhưng có những người “cắn răng” tiếp tục vì sợ uổng phí 4-5 năm đại học, sợ không có bằng cấp, sợ phải mò mẫm lại từ đầu.
Hiện nay, trừ ngành nghề đòi hỏi chuyên môn cao như Y dược thì hầu hết những ngành nghề khác sẽ đề cao khả năng làm việc của bạn hơn là bằng cấp. Hãy nhớ rằng: Bằng đại học rất quan trọng, nhưng nó không phải là tất cả.
Khi bạn làm thiết kế, người ta sẽ yêu cầu về khả năng tư duy kết cấu hơn là việc bạn đã từng học trường xây dựng hay giao thông.
Thực tế, tất cả ngành học đều có sự giao thoa và liên kết với nhau. Bạn biết ý nghĩa của những môn học cơ sở, đại cương trong chương trình đào tạo đại học chứ?. Đó là kiến thức nền tảng của mọi ngành khoa học mà ai cũng cần phải trang bị. Nếu bạn muốn làm trái ngành, hãy bổ sung thêm các kiến thức chuyên môn của ngành đó. Thay vì rầu rĩ đã uổng phí 4 năm đại học vô ích thì bạn hoàn toàn có thể biến những gì mình đã học trở thành công cụ để phát triển sự nghiệp.
Dù bạn đi làm trái ngành hay đúng ngành, hãy làm công việc nào khiến bạn cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Hãy thử tưởng tượng rằng mỗi buổi sáng, khi mở mắt ra, bạn đã phải “vác xác” đến công ty để làm một công việc đầy chán chường, thiếu thú vị. Tối đến, khi nhắm mắt lại vẫn còn cảm thấy áp lực và ám ảnh thì sẽ tệ đến mức nào?
Làm trái ngành, bạn phải chịu một áp lực không hề nhỏ: áp lực về kiến thức nền tảng, áp lực về thời gian, áp lực để hoàn thành công việc được giao phó, …. Bạn sẽ phải mò mẫm, cố gắng và nỗ lực hơn hẳn những người bình thường khi vừa học, vừa làm. Nhưng đôi khi, chính việc này lại là cơ hội cho bạn. Dù bạn học đúng ngành hay trái ngành thì các doanh nghiệp vẫn phải dành thời gian đào tạo lại để giúp bạn hiểu rõ tính chất công việc. Qua quá trình “nghề dạy nghề”, bạn sẽ phần nào lấp được những khoảng trống trong kiến thức và kỹ năng.
Rất nhiều người e ngại rằng việc làm trái ngành sẽ khiến ta “giậm chân tại chỗ” cả đời vì thiếu nền tảng. Song việc học là việc cả đời, một khi bạn đã có sự đam mê, khát khao và nỗ lực, chắc chắn bạn sẽ phá bỏ được giới hạn ấy.
Sau tất cả, việc làm đúng ngành hay trái ngành không quyết định sự thành công của bạn. “Hãy cứ khát khao, hãy mãi dại khờ”. Tìm ra đúng đam mê và luôn nỗ lực để hoàn thiện kỹ năng và kiến thức mới chính là chìa khóa giúp bạn làm nên những điều phi thường. “Làm trái ngành đúng hay sai?” câu trả lời là của riêng bạn, quan trọng việc bạn có dám thử thách, dám thất bại hay không mà thôi!