Chắc không ít lần chúng ta phải đứng giữa những lựa chọn, công việc an nhàn nhưng ít tiền hay chọn công việc vất vả bù lại có mức lương cao hơn. Bài viết dưới đây mình sẽ chia sẻ về chủ đề Lựa chọn công việc an nhàn hay vất vả?. Hy vọng qua bài viết các bạn sẽ có câu trả lời cho câu hỏi này.
Thật không khó để định nghĩa về công việc “an nhàn” hay có thể nói là “ổn định”. Ổn định trong mắt nhiều người là chọn một công việc nhàn nhã, đặc biệt là công việc Nhà nước, sáng cắp cặp tới, tối cắp cặp về. Ngày tháng trôi qua chậm rãi, không ai đẩy được cái ghế của mình cho đến cuối đời. Đi kèm với nó là một mức lương theo cấp bậc, thâm niên, đến ngày đến tháng thì tăng, mỗi lần tăng thì chậm hơn cả tiến độ đường sắt Hà Đông – Cát Linh.
Nhờ yếu tố ổn định đó mà nó trở thành một tiêu chuẩn để định hướng nghề nghiệp. Khi bạn đang chuẩn bị thi đại học, chắc chắn bạn sẽ nghe họ hàng, người thân tư vấn. Kiểu như đăng ký ngành này sau ra trường xin vào Nhà nước vừa nhàn vừa ổn định, ngành kia ra trường làm văn phòng điều hòa mát mẻ, ....
Nói vậy chứ thực tế không phải như vậy, ổn định chỉ mang tính chất tạm thời vì ai biết trước được thời cuộc sẽ ra sao. Có ai dự đoán được Covid 19 sẽ tàn phá ngành du lịch và hàng không thế nào. Trước năm 2020 có ai tin là Việt Nam Airlines sẽ rơi vào giai đoạn khủng hoảng đến mức kiệt quệ như vậy. Nghề phi công và tiếp viên hàng không có thể coi là ổn định, đáng mơ ước trước kia lại trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết.
Nếu như không chọn sự “an nhàn”, “ổn định” thì ta chọn sự “vất vả” vậy. Chọn một công việc làm ngày làm đêm, quay cuồng deadline và không có chút thời gian nào cho chính bản thân. Ví dụ như bạn chọn công việc kỹ sư xây dựng thì hay đi sớm về khuya, chưa kể thức xuyên đêm trực bê tông.
Bận tới mức không có thời gian để thở.
Bận tới mức không có thời gian để yêu đương.
Bận tới mức kiếm được tiền nhưng chẳng biết tiêu lúc nào, tiêu vào đâu.
Rồi một ngày nhận ra, bạn đang làm vì cái gì cũng không biết nữa, nếu nói vì tiền thì bao nhiêu mới là đủ?.
Đa số những người nghiện việc, những người lao tâm khổ tứ vì công việc khi được hỏi lý do vì sao lựa chọn như vậy họ không có câu trả lời. Đôi khi họ giống như bị một dạng bệnh lý nhẹ, không được làm việc, không được check mail, không được nghe điện thoại là thấy thiếu vắng. Một ngày không quay cuồng trong đống nhiệm vụ và những cuộc họp hành là hụt hẫng.
Đây cũng là một mặt rất tiêu cực mà công việc vất vả đem lại.
Thực ra nói câu trả lời chính xác cho câu hỏi này thì không có, nó vẫn phụ thuộc vào bối cảnh và hoàn cảnh của mỗi người.
Nếu bạn đang có con nhỏ, bạn phải chăm lo cuộc sống gia đình thì thật khó có thể nói tôi chọn vất vả, tôi sẽ cân bằng được, tôi sẽ sắp xếp được. Bởi vì cái gì không toàn tâm toàn ý thì không dễ thu được thành quả, đặc biệt là trong công việc. Trong đó đâu chỉ có hai màu đen trắng, nó sẽ có vô vàn xanh đỏ tím vàng mà mình không lường trước được. Vậy nên nắm được bối cảnh của mình thế nào rất quan trọng khi quyết định mình sẽ lựa chọn gì.
Thông thường, những người đi làm sẽ có 2 trường phái.
Vậy mục tiêu của bạn là gì? Hãy làm rõ nó trước khi đi tới quyết định bạn chọn gì.
Đôi lúc phải là sự hy sinh, không thể có một công việc vừa an nhàn vừa lương cao. Cũng như không thể có một công việc vừa thăng tiến nhanh vừa được thoải mái. Mọi thứ đều phải đánh đổi và trả giá, thậm chí là cái giá rất đắt.
Điều này khiến cho ta liên tưởng tới chú vịt, nhìn tưởng an nhàn bơi trên mặt nước nhưng dưới kia là đôi chân quẫy đạp liên tục để không bị chìm nghỉm. Ta không thể thực sự biết họ khó khăn ra sao cho đến khi ta đặt chân vào đôi giày của họ.
Chẳng hạn bạn xác định thời gian 5 năm đầu sau khi ra trường sẽ ra công trường để tích lũy kinh nghiệm thực tế. Dù có vất vả nhưng lúc đó bạn còn trẻ, còn sung sức thì ngại gì khó khăn. Sau đó bạn có thể chuyển sang làm Tư vấn giám sát hay có điều kiện hơn thì ra làm ngoài. Khi đã có quyết tâm và xác định rõ con đường mình phải đi, thành công sẽ đến với bạn.
Đâu phải hướng nghiệp là chọn một công việc rồi đóng đinh vào đó. Cũng chẳng phải ai đó tài giỏi tới mức xem bói cho chúng ta ta sẽ giàu có, thành công, nổi tiếng với nghề gì. Vì vậy lựa chọn ra sao, vẫn là do bạn quyết định, nơi lâu đài đổ nát lại là nơi chứa báu vật mà ta mê mải trong cõi đời này nên sớm bỏ quên.
Trên đây là những chia sẻ về chủ đề Lựa chọn công việc an nhàn hay vất vả? mà mình muốn gửi tới các bạn. Hãy luôn lý trí và sáng suốt trong lựa chọn của bản thân mình, đừng vì áp lực hay định kiến gia đình, xã hội mà “nhắm mắt chọn bừa”.
Chúc các bạn may mắn và thành công!