Kỹ sư Xây dựng là cái nghề hèn hạ và bần tiện mà lại không có tương lai. Bạn có thể nghe thấy rất nhiều câu than thở của các anh em kỹ sư "tiền bối" kiểu như:
- Đừng chọn nghề Xây dựng em à, hối hận đấy!
- Hết nghề hay sao mà lại theo nghề Xây dựng!
- Chúc mừng bạn tham gia vào Cộng đồng những người đau khổ và chán nản!
- Làm gì cũng được, đừng làm xây dựng!
- Nếu muốn sống vui vẻ hạnh phúc thì đừng làm Xây dựng!
Nếu cách đây 10 năm bạn hỏi tôi, tôi cũng sẽ trả lời như vậy. Đó là tất cả những gì mà tôi đã từng suy nghĩ và định nghĩa dưới góc nhìn của mình. Nghĩ lại, mình thật ngốc nghếch và tôi nhận ra rằng vì mình kém cỏi và tầm thường nên mới thấy như vậy.
Trong bài viết trước, tôi đã tâm sự với các bạn về Mặt trái của nghề Xây dựng. Quả thực nếu nói về mặt tối của nghề này, chắc chúng ta nói cả ngày không hết, nhưng khi nói về mặt sáng của nghề không có nhiều. Và phải trải qua 15 năm làm nghề, tôi mới nhận ra những điều tuyệt vời nhất mà nghề Xây dựng mang lại cho con người, cho cộng đồng và xã hội.
Nghề xây dựng là nghề kiến tạo xã hội, góp phần vào sự phát triển của Nhân loại. Trên thế giới, có những công trình trường tồn với thời gian, được đưa vào danh sách top 7 kỳ quan thế giới mới. Đó là: Vạn Lý trường Thành, thành phố Petra, đấu trường La Mã, khu di tích Chichén Itzá, Machu Picchu, lăng mộ Taj Mahal, tượng Chúa Kitô Cứu Thế. Các công trình đó đều do dân Xây dựng tạo ra chứ không phải đùa. Điều đó có nghĩa là nghề Xây dựng thực sự là 1 nghề rất đáng được tôn vinh. Những người kỹ sư xây dựng từ xa xưa đã trải qua nhiều gian truân, vất vả để xây dựng nên các công trình thế kỷ. Ở mỗi công trình đều có máu, thịt của hàng ngàn, hàng vạn kỹ sư, công nhân xây dựng.
Loài người bắt đầu với cuộc sống hang hốc, săn bắt hái lượm. Nếu không có bàn tay lành nghề của các kỹ sư xây dựng, liệu rằng hôm nay chúng ta có được ở trong những tòa nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi?.
Nếu không có nghề Xây dựng, máy bay sẽ bay như thế nào? Làm gì có đường băng để mà bay. Xe cộ liệu có dùng được không? Làm gì có cầu đường để mà đi. Những tòa nhà chọc trời, những con đường, những cây cầu xuyên đại dương, những đường hầm xuyên lục địa là do ai làm nếu không phải là dân Xây dựng?
Nghề xây dựng, nơi tạo ra những con người bản lĩnh và rắn rỏi. Dù bạn có chấp nhận hay không thì điều này vẫn luôn là sự thật. Vì sao ư? Đó là đặc điểm của nghề xây dựng. Đó là những buổi trưa nắng cháy da, cháy thịt hay những đêm lạnh buốt nằm lán, trực đổ bê tông giữa núi rừng bạt ngàn. Nghề này chứa đủ thứ trên cuộc đời này, sang trọng bậc nhất và hèn mọn bậc nhất. Thực ra nghề nào cũng vậy, chứ không riêng nghề Xây dựng. Điều quan trọng là chúng ta xem đó là thách thức hay sự nghiệt ngã mà thôi. Đó là cách chúng ta nhìn nhận về nghề và cách chúng ta ứng xử với nó. Có ai đó từng nói “Cuộc đời của bạn là kết quả của 10% tác động, còn 90% còn lại là do thái độ của bạn khi phản ứng với nó”. Nghĩa là cuộc đời của chúng ta tốt hay xấu do cách chúng ta phản ứng với nó chứ không liên quan đến nghề.
Nghề xây dựng đã bao gồm rất nhiều ngành nghề: xây dựng, công nghệ, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, truyền thông, giáo dục, luật, ….. Những người bỏ nghề chẳng qua là chạy trốn chính mình chứ nghề xây dựng không thiếu đất để họ diễn.
Nếu bạn đang muốn định hướng nghề nghiệp tương lai, tôi có lời khuyên cho bạn như thế này. Bạn đừng hỏi một người gặp thất bại trong cuộc sống, không có ý chí, không có khát khao và định hướng phát triển bản thân và nghề nghiệp. Họ sẽ gặp vấn đề trong hầu hết những gì liên quan đến cuộc sống của họ chứ không riêng về nghề nghiệp. Thay vì vậy, hãy hỏi một người có phong cách sống mạnh mẽ, có mục tiêu rõ ràng, giá trị sống tích cực và có tư tưởng đóng góp cho sự phát triển của Xã hội. Câu trả lời bạn nhận sẽ khác nhiều lắm. Hãy hỏi một chủ doanh nghiệp xây dựng, một Giám đốc dự án hoặc một người Chỉ huy trưởng. Những người đã có thành công, có sự đóng góp nhất định cho xã hội để có cái nhìn tích cực về nghề. Họ chính là mục tiêu để các bạn kỹ sư trẻ phấn đấu trên con đường sự nghiệp của bản thân.
Đã lỡ chọn rồi, phải yêu thôi, vì chỉ có yêu thì mới làm tốt được. Nếu không hãy chia tay sớm bớt đau khổ anh em kỹ sư nhé. Hoặc thay đổi bản thân để phù hợp với nghề hoặc thay đổi ngành nghề theo đúng sở trường để có cuộc sống tốt hơn. Đừng gieo rắc những góc nhìn tiêu cực về nghề, bạn sẽ làm cho các kỹ sư trẻ “Hoang mang và mất định hướng”.
Kết luận: Nghề nào cũng có sự đóng góp nhất định cho sự phát triển chung toàn xã hội và cộng đồng. Tuy nhiên, nếu để chọn một nghề có đóng góp nhiều nhất dưới góc nhìn cá nhân thì “NGHỀ XÂY DỰNG THỰC SỰ LÀ NGHỀ CAO QUÝ”.
Nguồn: Kỹ sư Huỳnh Nhất Linh
Phần 1: Tâm sự của người kỹ sư xây dựng
Phần 2: Mặt tối của nghề Xây dựng
Phần 3: Mặt sáng của nghề Xây dựng