Trong bài viết Tâm sự của người kỹ sư xây dựng tôi đã viết ra những ấn tượng đầu tiên khi bước chân vào con đường trở thành người kỹ sư. Trong bài viết này, tôi xin được chia sẻ một vài điều điều mắt thấy, tai nghe mà tôi đã trải qua trên con đường này. Đó là những mặt tối của cái nghề “Đi xây tương lai cho loài người”. Nếu nói về mặt tối của nghề Xây dựng, có lẽ nói cả ngày không hết, nhưng trong bài viết tôi chỉ nêu ra những mặt nổi bật nhất. Mời các bạn cùng theo dõi nhé!
Cờ bạc có thể nói là một môn chuyên ngành gần như là bắt buộc với những anh em kỹ sư xây dựng. Có thể là môn Ba cây, Phỏm, Chắn hay có anh em lại đam mê Số học, …. Cuộc sống xa gia đình, xa người yêu thì lấy cái gì để giải trí khi về đêm. Chắc chỉ có món rượu chè và bài bạc. Ban đầu chỉ là vài ván bán với ly cafe, bữa ăn sáng rồi mê đánh bài lúc nào chẳng hay. Giữa núi rừng Tây Bắc, tôi chén tạc chén thù, cây K, cây át với các anh em công nhân tới sáng. Chưa kể đến những lần đánh bài thâu đêm để tiếp các anh Tư vấn giám sát, Chủ đầu tư. Mà nghĩ cũng lạ, vừa đổ bê tông xong nguyên một đêm mà chẳng biết tại sao tôi vẫn ngồi đánh bài đến sáng. Có đôi lúc hết tiền, tôi cũng sẵn sàng bán cái quần bò duy nhất và giá trị nhất của mình vừa mới mua. Thậm chí có khi tôi ứng hẳn vài tháng lương để chơi bài cho thỏa đam mê. Thế mới biết nếu mình làm việc mà đam mê giống như đánh bài có lẽ đất nước này sẽ tươi đẹp lắm.
Gái gú, khỏi phải bàn với dân cầu đường có câu "Cầu đâu con đó" hay dân xây dựng là “Người xây nhà trẻ”. Tôi còn nhớ, lần lên thăm cậu bạn làm kỹ thuật ở đập Sông Gianh năm 2004. Chao ôi, công trình chỉ có vài người ngồi đánh bài và kế bên đó là 3 bông hoa giữa núi rừng "chỉ mặc váy" nằm ngủ tênh hênh. Hỏi ra mới biết các em là "hàng dạt" trôi từ đồng bằng lên. Tôi đùa "Mày sướng nhỉ! Ăn, ngủ ... tại chỗ". Cậu ta chép miệng "Cũng may tao chưa dính mày à, đó là lý do tao phải rời khỏi đó". Năm 2008 tôi cùng với vài anh em được điều đi dự án ở miền Tây. Ngày trở về Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn chỉ phán một câu "Đây là dự án thành công, đại thành công vì hết dự án mà không ai bị AIDS". Thế mới biết nghề xây dựng nó nguy hiểm thế nào. Và nếu như bạn không biết hát Karaoke bằng tay nghĩa là "quá lạc hậu". Thật đáng thương cho các anh em kỹ sư trẻ khi phải đối diện với tình trạng này.
Một đặc sản khác của nghề xây dựng là đánh nhau. Anh em xây dựng hay nói đùa nhau: ra công trường phải tập chạy nước rút. Đơn giản, có những lúc bị đánh vì "mày làm đúng". Cảm giác ấy chua xót thật. Năm 2014, tôi từng bị thầu phụ chặn đánh vì "Chọn giá vật liệu đúng!". Lúc đó trong đầu chỉ nghĩ tới một điều "Mình đã làm sai điều gì chứ? Mình còn vợ, còn con nữa, nếu tiếp tục có khi bỏ mạng chứ chẳng chơi". Lúc đó chỉ muốn bỏ nghề chứ chẳng cần gì hết. Đôi lúc chứng kiến mấy anh công nhân đánh nhau chỉ vì: nhìn đểu, giành mặt bằng, giành cẩu, …. Hoặc cả tá các nguyên nhân mà bạn *éo biết vì sao? Chỉ thấy "Xà gồ, sắt thép, gạch đá bay vèo vèo" là phải nấp kẻo bị vạ lây. Tôi đã được nghe câu chuyện của tiền bối trong nghề. Chuyện là anh ấy đi mua đồ ăn trong bản của người dân tộc. Chẳng biết thế nào lúc mua đồ lại “liếc” ông dân bản một cái. Thế là ông kia coi là “nhìn đểu”, gọi cả đám thanh niên trong bản kéo đến công trường. Một trận đánh đấm tưng bừng giữa trai công trường và trai bản để lại hậu quả là vết sẹo trên mặt anh ấy.
Cái cảm giác lúc đánh nhau nó rất sướng. Chỉ là sướng cái cảm giác "Chết mẹ mày chưa" chứ cái thân, cái tâm nó đau ghê gớm.
Đó là những điều mắt thấy, tai nghe mà tôi đã trải qua trên con đường trở thành kỹ sư Xây dựng. Trong các bài viết sau, tôi sẽ chia sẻ tiếp những trải nghiệm của bản thân tôi trong những năm tháng làm nghề. Mời các bạn cùng đón xem!
Nguồn: Kỹ sư Huỳnh Nhất Linh
Phần 1: Tâm sự của người kỹ sư xây dựng
Phần 2: Mặt tối của nghề Xây dựng
Phần 3: Mặt sáng của nghề Xây dựng