Ngày đầu tiên đi làm, cách đây 15 năm, cảm giác được là người đi xây những công trình cho tương lai nó tuyệt vời không thể diễn tả nổi. Tôi như 1 chiến binh lao đi trên con đường sự nghiệp, không quan tâm tới tương lai, không quan tâm tới lương, thưởng và các chế độ phúc lợi. Và rồi tới 1 ngày cách đây 10 năm, tôi đau đớn nhận ra rằng cái vinh quang của nghề Xây dựng nó không như tôi nghĩ. Nó bạc bẽo và quá nhiều áp lực, nó khiến tôi không thể ngóc đầu lên nổi.
Sếp tôi đã từng hỏi cậu kỹ sư mới vào làm thế này: "Mày biết nói tiếng Đan Mạch không?". Cậu ấy ấp úng "Dạ em không biết". Ông Sếp chỉ thẳng mặt "Đậu má, làm xây dựng mà không biết nói tiếng Đan Mạch thì làm sao làm mày?". Rõ ràng tiếng Đan Mạch là đặc sản của ngành Xây dựng. Có lần tôi chứng kiến anh Chỉ huy trưởng đứng chửi đổng "ĐM tao đã nói là không được nói tục với Thầu phụ. ĐM nó nó nói 1 câu có 4 lần ĐM. ĐM tức *éo chịu được". Với dân “xi măng cát sỏi” nhiều khi không thể dùng từ ngon ngọt, dịu dàng được, cứng rắn họ mới chịu nghe.
Sếp, ước gì tôi được gọi Sếp bằng "Thằng". Chẳng biết trời xui đất khiến thế nào tôi lại gặp ông Sếp rất hắc ám. Việc của ông khi ra công trường chỉ là: sai vặt, nhậu nhẹt, la lối có lúc xúc phạm nhân phẩm của các anh em trong đội. Tôi nhớ có lần chỉ vì không chịu chơi đánh bài và đi “bia ôm” cùng Sếp thế là ngày mùng 04 Tết tôi bị đuổi việc. Lý do là vì "Một là mày đi cùng tao, 2 là mày nghỉ". Thế là tôi chọn con đường nghỉ việc dù mất 1 số tiền Tết kha khá.
Hối lộ, anh em kỹ sư biết hối lộ từ khi nào? Bao nhiêu anh em không chi mấy trăm cho 1 kỳ thông đồ án hoặc thi qua môn (đặc biệt là các môn không thuộc chuyên ngành). Chắc rất ít đúng không. Tôi nhớ 1 lần, tôi đánh liều không "chung chi" vì lỡ tiêu hết tiền. May mắn thay chẳng biết trời xui đất khiến thế nào tôi lại qua nhẹ nhàng. Còn đám bạn “chung chi” không ít thì lại rớt trong lần tốt nghiệp chỉ đậu khoảng 30% dân số. Quả thực là “Lò sát sinh số 55 Giải Phóng”.
Khi ra trường, có lúc vì phong bì 500k mà các anh em sẵn sàng bớt vật tư, nghiệm thu ẩu, thêm khối lượng, phê duyệt sai, bắt tay thầu phụ. Để rồi kết cục là bị đuổi việc không thương tiếc. Hỡi ôi, đôi khi giá trị của người kỹ sư cũng chỉ đáng giá 500k. Bạn có từng chứng kiến chứ? Tất cả cũng chỉ là vì áp lực mưu sinh, vì khi đó vẫn đang bị nợ lương 3 tháng, …. Đó là hiện thực dù tàn khốc nhưng chân thực về nghề Xây dựng.
Chưa kể khi cái cầu bị sập, khi cái nhà nghiêng, khi con đường hư hỏng, việc đầu tiên người ta sẽ nghĩ là:
" Có nghề nào ngon như nghề Xây dựng
Ngoài ăn cơm còn cả sắt thép bê tông"
Thói đời là thế! Người kỹ sư Xây dựng rất dễ mang theo tai tiếng, luôn có nguy cơ tù tội. Có hèn hạ, có nhục nhã cho cái nghề “Đi xây tương lai cho loài người” không?
Lương, bạn từng bị quỵt lương chưa? Tôi thì đã từng bị quỵt 700k vào năm 2003 và bị đuổi thẳng cổ ra khỏi dự án ở vùng núi Tây Bắc. Lúc đó kêu trời không thấu, kêu đất không nghe. May thay tôi được người chủ tiệm tạp hóa gần đó cho mượn 300k để làm lộ phí về quê. Ngay khi về tới nhà Bố tôi tát tôi 2 cái, ôm tôi khóc và nói "Tại sao mày ngu như vậy?". “Sao không gọi điện về Ba bán lúa gửi tiền cho mà về, mày làm Ba tưởng mày bị người ta giết rồi quăng xác giữa núi rồi". Có thể nói đấy là lần đầu tiên tôi thấy Bố tôi khóc. Nhục nhã thật, từ đó tôi ra quyết định không bao giờ đi công trình xa nữa. Mãi sau này thì tôi "Chỉ bị đuổi việc vài lần" chứ không bị quỵt lương. Nhưng tôi đã chứng kiến rất nhiều cảnh công nhân bị quỵt lương và mình phải đích thân đứng ra giúp họ. Lần gần đây nhất, Phó Tổng giám đốc của Tập đoàn phải bán 10 cây vàng để lấy tiền giải quyết lương cho công nhân bị nhà thầu phụ quỵt lương.
Ấy là chưa kể lương anh em trong nghề cũng “bèo”. Trong thời buổi "cái gì cũng tăng chóng mặt chỉ có lương là ổn định" thì thực sự khó khăn. Lương xây dựng vừa "bèo lại rất ổn định" làm chán nản biết bao cô gái yêu chàng Kỹ sư.
Đó là những điều đầu tiên mà tôi tiếp xúc khi bước chân vào con đường trở thành kỹ sư Xây dựng. Trong các bài viết sau, tôi sẽ chia sẻ thêm những điều mắt thấy, tai nghe mà tôi đã trải qua trên con đường này. Mời các bạn cùng đón xem!
Nguồn: Kỹ sư Huỳnh Nhất Linh
Phần 1: Tâm sự của người kỹ sư xây dựng
Phần 2: Mặt tối của nghề Xây dựng
Phần 3: Mặt sáng của nghề Xây dựng